Dựng vách bàn ăn, kẻ vạch phân cách 2m
Hiện nay, với hơn 3.400 công nhân đang làm việc, công ty TNHH Nidec Việt Nam nằm trong Khu Công nghệ cao, quận 9 đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong các nhà xưởng.
Anh Lê Hữu Tuấn, công nhân đang làm việc trong Công ty Nidec Việt Nam, cho biết anh rất yên tâm khi đi làm trong mùa dịch bệnh COVID-19 tại công ty này. Ngay khi bước vào cổng công ty, anh Tuấn được đội bảo vệ đo thân nhiệt, khuyến cáo rửa tay sạch sẽ; khi đến khu vực bấm vân tay vào nhà xưởng, mỗi nhân viên được bố trí đứng trên vạch kẻ sơn để áp dụng giãn cách nhau 2 m. Trước khi bắt đầu công việc, công nhân được trang bị bao tay, khẩu trang, kính bảo hộ… Đến giờ ăn trưa, công nhân được bố trí ăn khay cơm riêng và mỗi người ngồi cách nhau bằng vách ngăn ăn cơm…
Trao đổi với Phóng viên Báo Tin tức, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cho biết ngay khi có thông báo của các cơ quan chức năng về việc phòng, tránh những biện pháp lây nhiễm COVID-19, công đoàn Công ty và ban lãnh đạo đã họp bàn để có phương án bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong mùa dịch.
“Công ty đã làm nhanh 3 vấn đề: thành lập ban phòng chống dịch COVID-19 gồm thành phần đại diện công ty, công đoàn, Y tế và đại diện một số bộ phận; thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh bằng việc ngăn bàn ăn bằng tấm vách kết hợp giảm số người ăn/lần tại căn tin xuống, từ tối đa 800 người/lần xuống còn tối đa 400 người/lần, mỗi bàn trước đây ngồi 4 người thì nay còn 2 người; tiếp tục triển khai một số việc khác do ban phòng chống dịch đề ra như tuần tra các phân xưởng, xử phạt thẻ khiển trách nếu nhân viên vi phạm việc đeo khẩu trang…” anh Hồng nói.
Ngoài ra, theo ông Lưu Kim Hồng, các công nhân công ty đều được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ phòng dịch như: bao tay, bịt mặt, kính bảo hộ…; đồng thời thường xuyên khuyến cáo công nhân hạn chế nói chuyện khi làm việc, không sử dụng điện thoại… nên việc lây lan dịch bệnh cũng khó xảy ra. Song song đó, sau mỗi ca làm việc, công ty cũng thực hiện xịt khử khuẩn xung quanh khu vực làm việc của công nhân để người sau vào làm sẽ đảm bảo an toàn khi phòng dịch bệnh COVID-19.
Tương tự, ông Tsao Chung Hung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (chủ đầu tư KCX Tân Thuận), cho biết khi TP Hồ Chí Minh xuất hiện ca bệnh, KCX Tân Thuận đã áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chống dịch mà Bộ Y tế, Sở Y Tế Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đề ra như khuyến cáo người lao động đeo khẩu trang tại khu vực công cộng, trong công xưởng, khi đi làm; giảm lượng lao động tập trung quá tại các công xưởng bằng việc chia ca, chia giờ đi làm lệch nhau; tăng cường lượng xe đưa rước nhiều hơn để thực hiện giãn cách xã hội trên xe….
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Mặc dù triển khai nhiều giải pháp phòng dịch bệnh COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp có đông công nhân cũng bày tỏ lo lắng khi thực hiện giãn cách xã hội tại nhà xưởng.
Ông Tsao Chung Hung cho biết, việc thực hiện giãn cách 2m đối với hàng ngàn công nhân đang làm việc tại các nhà xưởng của doanh nghiệp là việc khó thực hiện, đặc biệt là các công ty có dây chuyền sản xuất với 20.000 người làm việc liên tục. Nếu công nhân đứng cách nhau 2 m thì không thể thực hiện các thao tác công việc hàng ngày.
Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp có công đông nhân gần đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong chỉ thị 16 của Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội chưa quy định đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất; cụ thể các cơ sở sản xuất có số lượng công nhân đông là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vì đa số là hoạt động theo dây chuyền sản xuất cố định, khó đáp ứng yêu cầu “không quá 20 người trong một phòng hoặc yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người”. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp có đông công nhân để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề nêu trên.
Ông Phong cho biết, trước mắt để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh, thành phố đã thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể như: gia hạn nộp thuế, miễn/giảm thuế, điều chỉnh doanh thu khoán cho hộ, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ giảm thực tế; ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi hết dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly…