TP Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh một số cơ sở mầm non

Sáng 28/9, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại một số cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố.

Tại Trường Mầm non Phường 1 (quận 10) - nơi vừa có hai trẻ mắc bệnh tay chân miệng, ghi nhận của đoàn kiểm tra, trường học này đã thực hiện đúng các biện pháp khử khuẩn theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố mỗi khi có trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng.

Trước đó, ngày 21/9, một học sinh tại lớp Mầm 3 của trường có dấu hiệu sốt và được phụ huynh xin cho nghỉ học. Đến ngày 24/9, một học sinh khác trong lớp cũng bắt đầu có biểu hiện sốt, đau miệng, giáo viên đã hướng dẫn phụ huynh đưa con đi khám, cách ly, đồng thời báo cáo nhà trường để vệ sinh, khử khuẩn trường học.

Kiểm tra các lớp học tại đây, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhắc nhở giáo viên đặc biệt lưu ý việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn, sau khi đi vệ sinh cũng như việc khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng của trẻ, nhất là giường cá nhân cho bé ngủ trưa. Bởi đây cũng là một trong những vật dụng dễ lây bệnh cho trẻ.

Cũng trong sáng 28/9, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra một nhóm trẻ nằm trên địa bàn phường 1 (quận 10). Điểm giữ trẻ này hiện đang trông giữ 6 trẻ từ 24-26 tháng tuổi. Chủ nhóm trẻ cho biết, hàng tháng, nhân viên của Trạm y tế phường đều xuống kiểm tra, nhắc nhở cơ sở thực hiện đúng yêu cầu về vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Thống kê của Trung tâm y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 tuần giữa tháng 9/2018, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện có hiện tượng tăng nhanh. Trong tuần thứ (thống kê đến ngày 20/9), toàn thành phố ghi nhận 289 ca bệnh tay chân miệng, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca).

Tích lũy từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.200 ca mắc tay chân miệng nhập viện và 15.500 ca điều trị ngoại trú. Trong số những ca bệnh nhập viện tại các bệnh viện tuyến cuối là Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, số ca bệnh của Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40% và 60% còn lại đến từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Để phòng chống bệnh tay chân miệng, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, trong đó đặc biệt kiểm soát bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, nhóm trẻ.

Đinh Hằng (TTXVN)
Trẻ bị tay chân miệng trở nặng vì chủng vi rút nguy hiểm tái xuất hiện
Trẻ bị tay chân miệng trở nặng vì chủng vi rút nguy hiểm tái xuất hiện

Từ đầu tháng 9 đến nay, trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện TP Hồ Chí Minh tăng đột biến. Đặc biệt, số trẻ mắc bệnh do vi rút Ev71 chiếm hơn 50%, đặc tính của loại vi rút này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN