Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm hàng tuần nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018. Từ đầu năm 2019 đến nay toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết, thông thường thời điểm sau Tết Nguyên Đán là chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết nhưng hiện tại, số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D, trong đó riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải. “Trong suốt dịp Tết Nguyên Đán, số ca mắc không giảm khiến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn phải căng mình làm việc”, bác sĩ Phong chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh viện điều trị cho 3 - 5 ca nặng phải thở máy, lọc máu và có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Bác sĩ Phong cho biết, nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận…
“Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh khá nặng phải thở bằng máy, lọc máu nguy hiểm đến tính mạng. Không ít người dân vẫn chủ quan, thiếu kiến thức làm bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát”, bác sĩ Phong cho biết thêm.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, bên cạnh bệnh sốt xuất huyết vẫn ở mức cao thì số ca mắc sởi ở TP Hồ Chí Minh cũng tăng với 978 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay. Trong đó có 95% bệnh nhân mắc sởi đều chưa được tiêm phòng.