Đây được kỳ vọng là những tín hiệu tích cực, góp phần lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Thí điểm mô hình kinh doanh mới
Du khách quốc tế tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Hướng đến đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ người dân đang buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo UBND 24 quận - huyện rà soát và bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm sắp xếp các đối tượng này vào khu vực bán buôn phù hợp tại chợ truyền thống hoặc kinh doanh tại nhà.
Các giải pháp phải đảm bảo giúp người dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh kinh doanh ổn định, trong trường hợp người dân chưa thể ổn định kinh doanh, thì không để người dân khó khăn hay không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương triển khai một số Đề án thí điểm tổ chức Chợ phiên cuối tuần, Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh (có thời hạn) tại các tuyến đường trên địa bàn quận 1.
Trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương tổ chức Chợ phiên cuối tuần tại Công viên cảng Bạch Đằng và Đề án Phố âm nhạc, đường âm nhạc trên địa bàn quận 1; đồng thời, giao cho UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án này.
Cụ thể, đối với mô hình Chợ phiên cuối tuần tại Công viên cảng Bạch Đằng, hoạt động tổ chức kinh doanh phải đảm bảo văn minh, hấp dẫn, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, khu vực kinh doanh không ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống của người dân cũng như khách du lịch trong khu vực.
Bên cạnh đó, Chợ phiên ưu tiên kinh doanh sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhằm đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Riêng đối với mô hình Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh, trong năm 2017 sẽ được hoạt động từ 6 - 9 giờ và từ 11 - 13 giờ hàng ngày trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm, khu công viên Bách Tùng Diệp thuộc địa bàn quận 1.
Mặt khác, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao cho Sở Du lịch chủ trì, phối hợp UBND quận 1, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, triển khai xây dựng Đề án Phố đi bộ Đề Thám thuộc địa bàn quận 1.
Đề án phải đảm bảo an toàn trật tự, vệ sinh môi trường; định hướng xây dựng Phố đi bộ Đề Thám trở thành một không gian nghệ thuật độc đáo, để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật.
Quy hoạch hoạt động bán buôn
Khách trong nước và quốc tế thích thú tham quan và thưởng thức ẩm thực trong khu ẩm thực quận 1. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Cùng với thí điểm mô hình kinh doanh mới, các quận - huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều tuyến đường để quy hoạch thành khu phố hàng rong, phố ẩm thực, phố thời trang.
Đại diện UBND quận 8, cho biết: Hiện nay, số lượng quầy sạp thuộc các chợ truyền thống trên địa bàn quận còn trống gần 1.000 quầy sạp, nên sẽ tạo điều kiện cho những người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát vào các chợ này.
Phương án này sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở lấy ý kiến và khuyến khích người dân, ưu tiên đáp ứng nguyện vọng của người dân. Còn đại diện UBND quận 2, cho hay: Quận này đang lên kế hoạch chọn một khu đất khoảng 10.000 m2 tại phường An Phú để xây dựng chợ. Dự kiến, chợ này sẽ là địa điểm bố trí người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.
Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, kiên quyết tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố nói chung và quận Tân Bình nói riêng, nhưng vẫn phải tìm phương án tạo điều kiện cho người dân có điều kiện kinh doanh phù hợp. Do đó, ngoài việc bố trí cho những người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát có chỗ hoạt động ở chợ Phạm Văn Hai từ 18 giờ 30 đến 23 giờ, UBND quận Tân Bình đang tiếp tục khảo sát địa điểm mới và dự kiến có triển khai mô hình này ở các chợ như Tân Bình, Bầu Cát...
Sau tuyến phố Đông Y được khai trương đầu năm 2017, ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Chánh văn phòng UBND quận 5, cho biết: Quận này đã xây dựng xong tuyến phố chuyên kinh doanh vàng bạc, đá trang sức và sẽ chính thức khai trương vào cuối tháng 4/2017.
Các tuyến phố kinh doanh chuyên ngành hàng là một trong những chiến lược phát triển của quận 5, nhằm hình thành các điểm tham quan và mua sắm hấp dẫn theo hướng hiện đại nhưng bảo tồn ngành nghề truyền thống, an ninh trật tự trên địa bàn.
Thông tin thêm về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, lãnh đạo quận 5, cho rằng: Bên cạnh việc xây dựng logo và bộ nhận diện riêng cho từng tuyến phố kinh doanh chuyên ngành hàng, các đơn vị liên quan trên địa bàn quân 5 còn chú trọng bố trí bãi giữ xe, lập đội bảo vệ an ninh trật tự...
Nhìn nhận vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, nếu không có chỗ đậu xe thì hoạt động kinh doanh, bán buôn khó thuận lợi, nên hiện nay nhiều quận - huyện trên địa bàn thành phố đang nghiên cứu quy hoạch các điểm giữ xe, để hỗ trợ người kinh doanh, bán buôn có chỗ giữ xe cho khách hàng.
Theo đó, để người kinh doanh, bán buôn giảm bớt được chi phí thuê bãi giữ xe cho khách hàng, các cán bộ phường, tổ dân phố đã trở thành đầu mối hướng dẫn, khuyến khích các đơn vị thuê chung một địa điểm giữ xe cho khách.
Điển hình, tại hẻm 153 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, do hầu hết các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời trang, ẩm thực đều có vị trí mặt bằng không thiết kế được chỗ giữ xe cho khách hàng, nên những đơn vị này đã thuê chung một bãi giữ xe cho khách.
Chủ cửa hàng Gu Shop, cho biết: Với việc thuê chung bãi giữ xe, không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần tạo mỹ quan cho vị trí kinh doanh, vì không có tình trạng cửa hàng này hay cửa hàng kia lấn chiếm lề đường; đồng thời, cả người kinh doanh lẫn khách hàng đều yên tâm về chỗ giữ xe an toàn, đảm bảo an ninh trật tự khu vực.