Trong quy hoạch cây xanh Hà Nội đến năm 2020, việc phủ xanh đối với Hà Nội có hai nội dung chính là cải tạo cây xanh trong nội đô và hình thành vành đai xanh bao quanh Hà Nội. Tuy nhiên quá trình triển khai quy hoạch chưa hài hòa.
Vội vã thực hiện cải tạoÔng Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội An toàn lao động Việt Nam chia sẻ: “Nhà tôi khu Trung Hòa - Nhân Chính, nơi mà trong quy hoạch công bố cả chục năm nay là sẽ có cây xanh hài hòa. Tuy nhiên thực tế, các chủ đầu tư tại đây tận dụng tối đa diện tích xây nhà, các địa điểm kinh doanh…, còn rất ít chỗ trống cho cây xanh. Theo quy hoạch, các tuyến đường chính là trồng cây xanh (cây to, tạo bóng mát) nhưng thực tế chỉ là những cây thấp, cây bụi cao không quá đầu người. Đúng ra những tuyến phố nên trồng cây xanh theo đề án cải tạo, thay vì chặt nhiều cây lâu năm rồi thay vào đó là những cây lưa thưa lá”.
Ông Phan Thanh Giang, kỹ sư cao cấp về lâm nghiệp đô thị, cho rằng: “Việc cải tạo cây xanh đô thị là cần thiết nhưng cách thức triển khai cải tạo cây xanh Hà Nội như thời gian qua không hợp lý. Việc cải tạo, trồng mới cây xanh nên thực hiện ở các tuyến đường mới mở và khu ngoại ô; trên các tuyến nội đô đã có cây xanh nên triển khai theo từng giai đoạn và có nghiên cứu kỹ lưỡng về kiến trúc đô thị và cảnh quan”.
Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà khoa học, người dân không đồng tình với đề án cải tạo, thay thế cây xanh mà Hà Nội vừa triển khai.
Hàng cây xanh trong khu vực phố cũ Hà Nội. |
Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định: “Nhìn tổng thể, quy hoạch cây xanh Hà Nội quy củ nhưng cách thức triển khai vội vàng và chọn sai địa điểm để thực hiện. Các tuyến đường mới mở, cây xanh rất ít và không đúng chủng loại cây đô thị thì Hà Nội không triển khai cải tạo, trồng mới; trong khi đó, khu vực nội thành, nhiều cây lâu năm và đã đi vào tâm thức của người dân lại đồng loạt thay thế. Nếu lấy lý do là chỉnh trang đô thị, trồng cây cùng chủng loại trên một tuyến phố thì mới chỉ là hình thức, trong khi những cây lâu năm có nhiều giá trị về môi trường, cảnh quan, văn hóa thì lại không đánh giá cụ thể”.
Cần siết chặt quản lý
Hiện nay, việc trồng cây xanh tại các tuyến phố mới, dự án khu đô thị được giao cho chủ đầu tư, đây thường là hợp phần cuối cùng của dự án và nhiều chủ đầu tư trồng theo cảm tính. Đơn cử như tuyến đường Bưởi mở rộng, chủ đầu tư trồng cây liễu với ý tưởng tạo sự thơ mộng bên dòng sông Tô Lịch. Tuy nhiên, qua vài trận mưa bão, cây liễu bị gãy đổ nhiều nên khi chuyển giao cho Công ty công viên cây xanh quản lý, đơn vị đã thay thế bằng cây khác. “Sở sẽ cùng các quận, huyện tiến hành kiểm tra và yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện theo đúng thiết kế, quy hoạch đã duyệt”, một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
“Hà Nội đã xây dựng, thực hiện quy hoạch cây xanh, nhưng vấn đề quản lý cây xanh còn bỏ ngỏ. Một trong những điểm nhấn hình thành không gian xanh Hà Nội là vành đai xanh khu vực ven đô nhưng thực tế việc đầu tư cho khu vực vành đai xanh gần như chưa triển khai. Tại các huyện ven đô, chỉ có địa phương nào lãnh đạo quan tâm thì việc trồng cây xanh mới được triển khai phần nào, chủ yếu thông qua Tết trồng cây đầu năm”, ông Phạm Sĩ Liêm cho biết.
GS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam: Hà Nội được biết đến là thành phố xanh với nhiều dãy cây cổ thụ được trồng cách đây cả trăm năm. Chính các cây xanh này cũng đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên và môi trường. Trong quá trình đô thị hóa, việc làm cầu đường hay xây dựng một khu công nghiệp để phát triển kinh tế xã hội là cần thiết, nhưng cũng cần phải cân nhắc việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh. |
Còn TS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm nghiệp cho rằng: “Trong môi trường đô thị, việc trồng cây ven đường hoàn toàn khác với việc trồng cây thông thường, phải trồng cây bằng giá thể (hỗn hợp giữa nước và các chất). Nhưng việc trồng cây tại đường Nguyễn Chí Thanh gần đây cho thấy kỹ thuật trồng chưa đúng cách. Khi trồng cây mới mà vẫn kỹ thuật cũ là khoét lỗ và cắm cây xuống thì cây mới sẽ còn yếu hơn cây cũ do điều kiện sống của cây đô thị ngày càng kém đi bởi mật độ đông, tỷ lệ bê tông hóa, cơ sở hạ tầng phía dưới ngày càng nhiều”.
Theo đánh giá của chính đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp, có chỗ không có hoặc đạt dưới 50 cây/km. Hệ thống cây xanh chưa phát huy được việc tạo không gian xanh trong cuộc sống đô thị, giảm nhiệt độ không khí, chống ồn, chống bụi. Do đó, trong kế hoạch phủ cây xanh Hà Nội đến năm 2016, Hà Nội tập trung khai thác có hiệu quả hệ thống công viên, vườn hoa, phát triển hệ thống cây xanh trên các tuyến đường mới mở theo phương châm “ở đâu có tuyến đường, ở đó có cây xanh”.
“Đối với tuyến phố mới hình thành trong vài năm gần đây, Hà Nội phải siết chặt quản lý, yêu cầu trồng cây đúng theo quy hoạch đô thị. Trong khu nội đô, Hà Nội tập trung duy trì, chỉ chặt hạ với những cây sâu mục. Ngay với cây xà cừ, dù không được coi là cây đô thị nhưng không thay thế ồ ạt, chỉ thực hiện hạ tán để giảm nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão, đồng thời không trồng mới. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng sớm có kế hoạch để hướng dẫn các quận, huyện ven đô đầu tư hệ thống cây xanh vành đai và khu đô thị vệ tinh theo quy hoạch. Có như vậy mới không rơi vào tình trạng trồng cây rồi sau đó vài năm, thậm chí chục năm lại chặt hạ”, ông Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Xuân Minh