Các đợt ô nhiễm không khí nặng có thể diễn ra, người dân cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí trong thời gian tiếp theo để có biện pháp phòng, chống. Những người lớn tuổi, có bệnh nền về phổi cần hạn chế ra đường vì bụi mịn có thể gây hại nghiêm trọng cho tình trạng sức khỏe.
Trong tháng 8/2020, chất lượng không khí tại các đô thị vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình.
Tại Hà Nội, thông số bụi PM2.5 cao hơn so với các đô thị khác, tuy nhiên, chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức tốt và trung bình vẫn chiếm trên 99%. Trong nửa cuối tháng 8, chất lượng không khí đã có dấu hiệu xấu đi.
Tại các khu vực khác nhau, chất lượng không khí có khác biệt khá rõ. Tại trạm Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu, chất lượng không khí ở chỉ ở mức trung bình tất cả những ngày trong tháng 8. Tại trạm Tân Mai, chỉ số AQI đều ở mức tốt trong cả tháng. Giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại các khu vực ngoại thành thấp hơn so với nội thành khá nhiều.
Sang những ngày đầu tháng 9, không khí ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe. Chỉ số AQI cao nhất là 199, thậm chí có nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng cho thấy, chất lượng không khí ở mức tím, mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.
Trong những thời điểm điều kiện thời tiết xấu, người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt dành cho người có bệnh hô hấp mạn tính.
Được biết, bên cạnh mạng lưới trạm trạm quan trắc không khí quốc gia, một số địa phương trên cả nước đã xây dựng các trạm quan trắc không khí tự động để theo dõi hiện trạng chất lượng không khí tại nơi mình cư trú. Theo thống kê, hiện có trên 50 trạm trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố đã đưa vào vận hành.
Một số tỉnh đang tiếp tục đầu tư và vận hành thử nghiệm các trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, việc đầu tư lắp đặt trạm có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương về số lượng. Bởi vậy, Tổng cục Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn thiết kế mạng lưới và xác định vị trí đặt trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục.
Việc thiết kế mạng lưới phải đảm bảo tính đại diện cho chất lượng không khí của khu vực, gắn với quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và đáp ứng các yêu cầu về quản lý, kiểm soát, nâng cao chất lượng môi trường không khí, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa mạng lưới trạm trung ương và địa phương, hiệu quả đầu tư tối ưu để đáp ứng mục tiêu cung cấp số liệu nhằm đánh giá và công bố hiện trạng, diễn biến chất lượng không khí xung quanh.