Hạn, mặn nghiêm trọng khiến nhiều đầm nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau bị bỏ hoang. Ảnh: Kim Há - TTXVN |
Đây là khẳng định của Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mekong (MRC), ông Phạm Tuấn Phan, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho phóng viên TTXVN tại Lào chiều 23/3.
Theo ông Phạm Tuấn Phan, việc Trung Quốc xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng để hỗ trợ các nước hạ lưu sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam, chống lại tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn là hành động đáng hoan nghênh. Liên quan tới vấn đề này, MRC đồng thời đề nghị các nước thành viên của MRC gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Myanmar - quốc gia có sông Mekong chảy qua nhưng chưa tham gia vào MRC - cố gắng sử dụng nước sông Mekong hiệu quả nhất để nước có thể xuống tới Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Phan, việc Trung Quốc xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng trên thực tế sẽ không cải thiện được nhiều tình trạng khô hạn cũng như xâm nhập mặn gay gắt tại đồng bằng sông Cửu Long, mà chỉ có thể giúp thêm phần nào cho việc tưới tiêu bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay chủ yếu là do hiện tượng hiệu ứng nhà kính và mưa ít gây ra.
Về thông tin Thái Lan lắp đặt các trạm bơm hút nước sông Mekong để tưới cho khu vực Đông Bắc nước này, ông Phạm Tuấn Phan cho biết MRC đã liên hệ với Thái Lan và được biết việc hút nước nói trên hiện mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm trước khi báo cáo lên chính phủ. Theo tính toán của MRC, việc Thái Lan hút nước thử nghiệm ở mức hiện tại là không đáng kể so với lượng nước sông Mekong. Tuy nhiên, việc Thái Lan có kế hoạch xây trạm bơm vĩnh cửu với công suất là 150m3/giây là vấn đề hoàn toàn khác, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lượng nước trên sông Mekong. MRC cũng đã đề nghị Ủy ban sông Mekong Thái Lan nghiên cứu xem xét, áp dụng các quy trình tham vấn, cũng như thỏa thuận đối với việc sử dụng nước của Thái Lan, bởi đây là việc làm phù hợp với tinh thần của Hiệp định sông Mekong.