Từ cuối năm 2014, tòa nhà Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh được sơn lại bằng một màu vàng khá mới. Nơi đây từ lâu đã được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, sau khi khoác lên một "bộ cánh mới", Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người từ chuyên gia hội họa, kiến trúc đến những người dân và khách du lịch. Theo ông Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh), đối với một công trình kiến trúc có bề dày lịch sử hơn 100 năm như Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh dù chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng làm ảnh hưởng đến giá trị thời gian vốn có của nó.
Đặc biệt, khi Ban Giám đốc Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tu dưỡng và có sự thay đổi về màu sắc khá khác so với màu nguyên thủy trước đây cũng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của tòa nhà đã vốn hiện hữu từ hơn 1 thế kỷ nay đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Bưu điện TP. Hồ Chí Minh trong màu sơn mới. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN. |
Ông Võ Kim Cương cho rằng, khi quyết định sơn phủ một công trình kiến trúc cổ cần có sự tư vấn kỹ lưỡng của hội đồng thẩm định có chuyên môn về mỹ thuật, kiến trúc và văn hóa lịch sử. Vì vậy, cần xem xét lại việc thay đổi màu sơn mới của Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp hơn với màu đang sơn hiện nay.
Chia sẻ về hình ảnh tòa Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh khi vừa khoác lên "bộ áo mới", ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lại so sánh màu sơn mới của Bưu điện Thành phố giống như một "ông sư già nua" đã hơn 100 tuổi cố khoác lên mình một chiếc áo của trẻ thơ.
Theo ông Huỳnh văn Mười, các kiến trúc dinh thự Pháp ngày xưa tại Thành phố Hồ Chí Minh được sơn bằng màu vàng đất pha vôi, trong đó có dằn thêm một chút màu đen để làm thành một màu vàng không quá tươi, phù hợp với văn hóa phương Đông và khí hậu Việt Nam. Còn hiện nay, Bưu điện Thành phố sử dụng màu vàng sơn nước khá chói lóa khiến nhiều người qua lại cảm thấy giật mình.
Mặc dù Bưu điện Thành phố chưa được công nhận là di tích quốc gia hay của thành phố nhưng từ lâu đây đã là di sản trong lòng người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, nếu có sự can thiệp đến hình ảnh và kiến trúc của công trình này cần có một hội đồng tư vấn, thẩm định chuyên môn xem xét.
Là người từng có thâm niên làm việc hơn 40 năm tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, ông Dương Văn Ngộ (85 tuổi) cho biết, việc trùng tu, bảo tồn và giữ gìn những công trình kiến trúc cổ ngày xưa là việc nên làm nhưng vẫn chưa quen mắt với màu sơn mới chói lóa này.
Dưới góc nhìn của một du khách, chị Anna Steve (quốc tịch Anh) tham quan tại Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần thứ 2 chị đến tham qua tòa nhà Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, năm 2012, chị Anna Steve khá ấn tượng đối với tòa nhà bởi sự hòa quyện kiến trúc Âu và Á. Theo chị Anna Steve, màu sơn mới này khá đẹp, nổi bật trong mắt du khách.
Họa sĩ Lê Kiệt, thành viên Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lại thẳng thắn cho biết, việc thay đổi màu sắc của tòa nhà này vẫn không làm thay đổi kiến trúc vốn có của nó. Màu sơn tuy hơi sáng nhưng nhìn tổng thể vẫn đẹp, làm nổi bật được một công trình kiến trúc cổ đầy tự hào của người dân thành phố.
Trước khi trùng tu và sơn lại tòa nhà, đại diện Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã mời Công ty sơn Kova đưa thiết bị chuyên biệt để giám định tìm ra màu sơn nguyên bản phù hợp nhất. Tổng chi phí trùng tu lần này gần khoảng 5 tỷ đồng do Tổng công ty Bưu chính Việt Nam cấp.
Việc quyết định màu sơn được Ban giám đốc Bưu điện Thành phố chọn lựa và quyết định, dự kiến hoàn tất vào trước Tết Âm lịch 2015.
Gia Thuận (TTXVN)