Theo bài viết đăng ngày 21/3 trên hãng tin nổi tiếng này, hình phạt dành cho người đàn ông có hành vi sàm sỡ và cưỡng ép phụ nữ kia là quá nhẹ. Bản tin của AFP đã được nhiều báo và cơ quan truyền thông các nước đăng tải lại.
Trước đó, trong một đoạn video trích xuất từ camera giám sát của một tòa nhà chung cư ở Hà Nội, một người đàn ông bất ngờ dồn nữ sinh đại học vào góc thang máy, dùng vũ lực để giở trò sàm sỡ và hôn cô gái. Đoạn video nhanh chóng bị phát tán trên mạng, gây ra phẫn nộ trong dư luận.
Trả lời hãng tin AFP, nữ nhân viên văn phòng có tên Nguyen Trang (Nguyễn Trang) cho biết: “Thật là kỳ cục, tôi không thể chấp nhận chuyện này… tôi lo lắng cho những đứa con của mình và ngay cả bản thân”.
Hãng AFP cho biết, không giống tội hiếp dâm, quấy rối tình dục không bị coi là một tội hình sự tại Việt Nam, mà nó chỉ được xếp vào hạng mục “hành vi và lời nói không đứng đắn”. Mức phạt tối đa cho hành vi quấy rối tình dục là 13 USD (khoảng 302.000 đồng).
Một đơn kiến nghị trực tuyến thu thập chữ ký kêu gọi sửa đổi quy định này thu hút sự chú ý của dư luận trong ngày 20/3.
Theo một cuộc khảo sát được tổ chức phi chính phủ Action Aid thực hiện năm 2014 với 2.000 phụ nữ, 87% người tham gia xác nhận họ từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Trong khi đó, theo một khảo sát toàn diện của Tổ chức Y tế Thế giới hợp tác với Chính phủ Việt Nam năm 2010, 34% phụ nữ báo cáo thường xuyên bị người bạn đời bạo hành.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều nạn nhân vẫn còn quá sợ hãi khi khai báo về tình trạng quấy rối hoặc lạm dụng, bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) – hoan nghênh sự đồng lòng của dư luận trước vụ tấn công trong thang máy. “Phản ứng này là một tín hiệu đáng mừng, xã hội sẵn sàng thể hiện sự ủng hộ đối với những người dũng cảm đứng lên tố giác”, bà Hồng trả lời hãng tin AFP.
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện về quấy rối tình dục trở thành tâm điểm chú ý của công chúng Việt Nam.
Năm 2017, nữ diễn viên – người mẫu Vũ Thu Phương lên tiếng tố giác bị đạo diễn Hollywood Harvey Weinstein sàm sỡ, song câu chuyện đã bị lãng quên và không tạo ra làn sóng #MeToo tương tự các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc…