Để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chủ động phối hợp cùng Công đoàn cơ sở triển khai các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhất là các trường hợp F0, F1 nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động khi tham gia sản xuất tại đơn vị.
Tổ chức sản xuất linh hoạt
Ghi nhận tại Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), ngoài việc yêu cầu người lao động thực hiện các biện pháp 5K, doanh nghiệp còn thường xuyên đo thân nhiệt, thực hiện test nhanh định kỳ. Do dịch COVID-19 với biến chủng Omicron diễn biến phức tạp, nhiều công nhân bị lây nhiễm nhanh đã có lúc Ban giám đốc xem xét quay lại phương án "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất bởi đơn hàng gấp, trong khi nhân lực lại thiếu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, để khắc phục tình trạng này doanh nghiệp đã lấy ý kiến người lao động và lên phương án bố trí khu vực làm việc cho các trường hợp là F1 sau xét nghiệm nhanh, đảm bảo âm tính và được theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày. Ngoài ra, hàng ngày Tổ y tế của nhà máy đều lên danh sách F1, thông báo đến từng khu vực để người xung quanh chú ý tuân thủ các biện pháp 5K. Khu vực của F1 được phun khử khuẩn thường xuyên và không tổ chức ăn uống tập trung.
Công ty trách nhiệm hữu hạn May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) áp dụng hình thức làm việc trực tiếp và làm việc tại nhà để vừa đảm bảo tiến độ các đơn hàng, vừa ứng phó với tình trạng F0 gia tăng trong nhà máy. Theo bà Lê Thị Thủy - Chủ tịch Công đoàn Công ty, các ca nhiễm đều có triệu chứng nhẹ nhưng để bảo đảm an toàn cho số đông công nhân tại nhà máy, Công ty cho phép các F0 được nghỉ ở nhà từ 7 - 10 ngày có hỗ trợ lương và chỉ đi làm trở lại khi có kết quả âm tính 2 lần (cách nhau 3 ngày); đồng thời áp dụng quy định 5K, thường xuyên cho khử khuẩn toàn bộ nhà máy. Để vừa tránh tập trung quá đông người, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời đảm bảo duy trì sản xuất, doanh nghiệp khuyến khích các trường hợp F0 không có triệu chứng, F1 và người lao động làm việc ở các khu vực đông công nhân được nhận nguyên liệu về gia công tại nhà. Cũng do sản phẩm làm thủ công nên Công ty linh hoạt điều chỉnh đơn giá phù hợp để bảo đảm thu nhập, chăm lo đời sống cho người lao động.
Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra giải pháp F0 không có triệu chứng có thể làm việc trực tuyến trên tinh thần tự nguyện nhưng phải luôn tự theo dõi sức khỏe của mình. Các trường hợp F1 đi làm được bố trí khu vực riêng, thông thoáng và được giám sát trong nhiều ngày liền.
Với hơn 350.000 công nhân tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (đạt gần 100%), nhiều người lao động cũng đã tiêm mũi 3 tăng cường, theo ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), đa số F1 có thể được đi làm ngay nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định 5K.
Tuân thủ để môi trường làm việc an toàn
Nhiều doanh nghiệp tại Thành phố cho rằng, đặc điểm của biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh và cũng khỏi nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng, do vậy việc linh hoạt cho F1 làm ở khu vực riêng, F0 làm trực tuyến trong thời gian cách ly, không chỉ giải quyết bài toán cung cầu lao động mà còn giúp người lao động có tinh thần thoải mái, ổn định cuộc sống để nhanh chóng bình phục.
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7), ngoài việc cách ly các trường hợp F0, các trường hợp F1 được phân thành ba nhóm. Cụ thể, nhóm F1 chỉ tiếp xúc thoáng qua với F0 ở nhà máy sẽ được bố trí nơi làm việc và ăn riêng sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính. Nhóm F1 có nguồn gốc lây nhiễm từ gia đình sẽ có phòng cách ly riêng; trường hợp người tiêm đủ ba mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ được đi làm lại sau thời gian tiếp xúc 5 ngày và test nhanh cho kết quả âm tính. Trường hợp F1 ở cùng phòng trọ với F0, có nguy cơ lây nhiễm cao, phải tạm nghỉ việc.
Tương tự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) cũng chia các trường hợp F1 thành hai nhóm gần và xa. Trong đó, nhóm F1 tiếp xúc gần, sống chung nhà với F0, nguy cơ lây nhiễm cao phải tạm nghỉ ít nhất 5 ngày và chỉ đi làm lại khi xét nghiệm nhanh âm tính. Nhóm F1 tiếp xúc xa là người làm chung chuyền, xưởng, có đeo khẩu trang thì vẫn đi làm bình thường nhưng được theo dõi sức khỏe và test nhanh vào ngày thứ ba tính từ thời điểm tiếp xúc…
Anh Lê Hữu Thành ở Khu chế xuất Linh Trung 1 chia sẻ: Ai cũng có thể bị lây nhiễm, tái nhiễm dịch bệnh nhưng không đồng nghĩa với việc buông xuôi hay tâm lý chủ quan. Hiện cả nhà anh đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hạn chế tiếp xúc với người lạ.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch bùng phát và những trường hợp bị lây nhiễm, nhiều người lao động đã chủ động thực hiện 5K từ trong nhà máy đến cộng đồng và khu trọ; không tập trung ăn uống, hạn chế trò chuyện, thường xuyên khử khuẩn nơi ở, làm việc. Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Nga cùng nhiều công nhân lao động ở Khu công nghệ cao, người mắc COVID-19 nên nghỉ ở nhà hoặc duy trì làm việc phù hợp. Nếu sơ xuất để lây lan thì không chỉ chính họ mà cả công ty cũng phải ngưng hoạt động và nếu để lây lan ra cộng đồng thì trách nhiệm và thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo bác sỹ Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các doanh nghiệp nên bố trí sẵn kịch bản nhân sự thay thế vì diễn biến của dịch bệnh khi vào cơ thể vẫn rất khó lường. Người mắc COVID-19 nên được nghỉ ngơi hoặc có thể làm việc trực tuyến ở nhà, nhưng cũng cần được theo dõi thường xuyên và tùy trường hợp diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân.
Trên thực tế, khi trở lại bình thường mới, nhiều nhà máy, xí nghiệp duy trì xét nghiệm nhanh định kỳ, phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Thống kê từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, cứ 1 ca F0 thì có ít nhất 3 F1, nhiều phân xưởng phải tạm dừng hoạt động do thiếu hụt công nhân.
Lây nhiễm bệnh là điều khó tránh nhưng việc tiêm ngừa để đảm bảo độ phủ vaccine cùng với ý thức chủ động của doanh nghiệp và người lao động là điều cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay. Qua đó không chỉ tăng cường phòng, chống dịch mà còn xây dựng môi trường làm việc an toàn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và cả thành phố…