Hiện nay, nhà đầu tư đã bắt đầu tập kết nhiều trang thiết bị, máy móc chuẩn bị cho việc khởi công công trình. Tuy nhiên, sau thời gian dài kể từ khi dự án này được cấp phép, khu vực quần thể thác Năm Tầng - nơi công trình thủy điện chuẩn bị được xây dựng đã trở thành thắng cảnh tự nhiên thu hút khá đông du khách thập phương...
Lo lắng và trăn trở
Thác Năm Tầng được người dân biết đến từ năm 1983 với chiều dài hơn 1.000 m và chiều rộng khoảng 30 m. Các lớp đá trên mặt thác được chia làm 5 tầng và nguồn nước khá dồi dào, ổn định quanh năm không chỉ đảm bảo cho việc tưới tiêu sản xuất nông nghiệp mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước. Chính bởi lẽ đó mà người dân sinh sống quanh khu vực thác Năm Tầng thuộc địa giới hai xã Hưng Bình và Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đang lo lắng liệu việc xây dựng công trình thủy điện có xâm hại đến thác nước và kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.
Hiện nay, Công ty cổ phần thủy điện Đại An, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đang tập kết nhiều loại máy móc cơ giới hạng nặng cùng nguyên vật liệu gần thác Năm Tầng để chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện Đắk R’kéh. Công trình có công suất 5 MWh và vị trí xây dựng dự kiến cách đỉnh thác khoảng 200 m về phía thượng nguồn.
Ông Nguyễn Văn Nhanh, thôn 6, xã Hưng Bình cho biết, hơn một tháng nay kể từ máy móc và vật liệu được tập kết tại đây, gia đình rất lo lắng. Là một người dân gắn bó với mảnh đất này từ khi được khai phá, tôi cảm thấy tiếc nuối cho thế hệ sau nếu hôm nay không giữ lại được thác Năm Tầng.
“Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng xem xét và cân nhắc thật hợp lý bởi việc xây dựng công trình thủy điện sẽ khó giữ được thác nước, nhất là vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của quần thể thác ở vùng núi này”, ông Nhanh giải thích.
Ông Bùi Văn Xướng, thôn 14, xã Đắk Sin cho biết, gia đình được nghe cùng lúc hai thông tin là công trình thủy điện sắp được khởi công xây dựng và Nhà nước sẽ đầu tư phát triển thác Năm Tầng để thu hút khách du lịch. Lo ngại những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với vẻ đẹp tự nhiên của thác nước, gia đình cùng một số hộ dân sống gần chân thác đã có đơn kiến nghị gửi tới các ngành chức năng.
Lúc này, chúng tôi chỉ mong muốn các ngành chức năng quan tâm, đầu tư phát triển du lịch bởi khoảng 5 – 7 năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến tham quan thác Năm Tầng ngày càng đông. Việc đầu tư, phát triển du lịch một cách bài bản sẽ hạn chế được việc xây dựng, cải tạo tùy tiện làm tổn hại vẻ đẹp tự nhiên của thác nước.
Ông Xướng cho biết thêm, việc xây dựng công trình thủy điện sẽ khó giữ được vẻ đẹp nguyên trạng của thác nước và cần có những phân tích, đánh giá tổng thể để việc phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến thắng cảnh tự nhiên hiếm có tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Mong muốn và hy vọng
Ông Trần Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Hưng Bình cho biết, những năm qua khách du lịch đổ về tham quan thác Năm Tầng vào mỗi dịp lễ, tết hay cuối tuần khiến địa phương rất bất ngờ. Từ chỗ là thác nước bị “lãng quên” trong rừng sâu, thác Năm Tầng đã được du khách thập phương biết đến thông qua tin tức, hình ảnh trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng theo ông Trường, trước việc dự án thủy điện được tái khởi động, mong muốn của chính quyền địa phương là các ngành chức năng đánh giá, thẩm tra kỹ lưỡng phương án tích nước, phát điện của công trình, đảm bảo nguồn nước ổn định cho thác Năm Tầng cũng như gìn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của thắng cảnh.
“Tuy nhiên, giải quyết cùng lúc được cả hai việc là xây dựng công trình thủy điện và gìn giữ thác Năm Tầng thì rất khó”, ông Trường nhận định.
Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho rằng, từ vị trí đặt nhà máy thủy điện Đắk R’kéh đến thác Năm Tầng khó đảm bảo cả hai nội dung là vận hành thủy điện và khai thác điểm du lịch. UBND xã cũng lo ngại việc xây dựng công trình thủy điện ảnh hưởng đến các hộ dân trồng lúa trên thượng nguồn.
Theo báo cáo của UBND huyện Đắk R’Lấp, thác Năm Tầng được người dân biết đến từ năm 1983. Hiện mỗi năm thu hút từ 4.000 – 5.000 lượt khách tham quan, vui chơi, thưởng ngoạn. UBND huyện nhận định thắng cảnh này sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch trong những năm tới và cần được quy hoạch, đầu tư bài bản để vừa bảo tồn được vẻ đẹp tự nhiên vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của du khách.
Trong văn bản được ký vào cuối tháng 6/2018, UBND huyện Đắk R’Lấp cũng kiến nghị các ngành chức năng khi thẩm định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án thủy điện Đắk R’kéh phải có phương án vận hành, duy trì nguồn nước, cảnh quan để đảm bảo tiềm năng phát triển du lịch.
Bài 2: Hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch