Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh trong tuần qua, gió mạnh, kết hợp với triều cường gây sóng to đã làm khu vực bờ biển xã Vinh Hải tiếp tục sạt lở nặng trên tổng chiều dài khoảng 3km, biển xâm thực vào đất liền từ 5-7 mét.
Tại vị trí km8+300 tỉnh lộ 21, sóng biển đã làm sạt lở sâu vào lề đã gây hư hỏng nặng gần 500m đường. Một số đoạn bờ biển bị san phẳng nên sóng biển tràn qua tuyến tỉnh lộ 21, đe dọa vườn trồng hoa màu và ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân.
Hơn nữa, nhiều điểm sạt lở đã ăn sâu vào khu dân cư, uy hiếp nhà cửa của các hộ dân. Nhiều hàng quán để bán hàng phục vụ khách tắm biển bị sóng đánh khiến nhiều cửa hàng quán bị hư hỏng nặng, lộ rõ cả hàm ếch… Những hàng phi lao cao lớn với gốc cây chừng 50cm, rễ bám chặt vào đất cũng nằm chỏng chơ cạnh chân sóng.
Công ty Cổ phần đường bộ 1 Thừa Thiên - Huế đã tập kết gần 100 rọ thép và hàng chục khối đá; huy động công nhân nạo vét cát vùi lấp và xây kè chống xâm thực bờ biển nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tuyến đường này.
Kiểm tra hiện trường, ông Đặng Ngọc Trân, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lộc đã yêu cầu chính quyền địa phương xã cần tăng cường triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân.
Vì thế, trước mỗi đợt mưa lũ, huyện yêu cầu địa phương chủ động di dời dân; đồng thời sử dụng các bao cát gia cố để hạn chế tình trạng sạt lở. UBND xã Vinh Hải cũng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố, tổ chức trực ban 24/24 giờ để chủ động đối phó với thiên tai.
Trước mùa mưa bão hàng năm, chính quyền xã Vinh Hải đều huy động nhân lực, phương tiện để dùng đá hộc, rọ thép xử lý khẩn cấp những điểm sạt lở nhưng khi biển động mạnh, nhưng tình trạng sạt lở tiếp tục tái diễn và càng nghiêm trọng hơn. Chính quyền và nhân dân xã Vinh Hải mong muốn các cấp quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ xây các tuyến đê kè chắc chắn để bảo vệ bờ biển và khu dân cư được an toàn.
Về lâu dài, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tính toán phương án xây dựng mới tuyến kè qua xã Vinh Hải với chiều dài khoảng 2,5km để khắc phục tình trạng sạt lở ở đây trong thời gian đến.
Theo thiết kế, đê kè sẽ được xây dựng kiên cố bằng bê tông, trên đỉnh kè kết hợp đường giao thông, một số đoạn có tường chắn sóng. Ngoài ra, địa phương cần trồng bổ sung thêm rừng phi lao bị gãy đổ, khôi phục lại rừng phi lao phòng hộ phía sau đỉnh kè trong khuôn khổ chương trình phòng chống biến đổi khí hậu ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế...