Trực tiếp trao đổi với anh Nguyễn Đức Nhân - một trong những hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi ghi nhận sự chủ động của gia đình và chính quyền địa phương trong việc triển khai xử lý tiêu hủy; đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương sớm hoàn tất các thủ tục để hỗ trợ thiệt hại cho người dân.
Tại gia đình anh Đỗ Trọng Phúc đang nuôi hơn 100 con lợn thịt, ông Lợi mong muốn gia đình nâng cao ý thức phòng tránh bệnh và áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn cũng như phòng tránh lây lan dịch.
Ông Nguyễn Văn Lợi cũng đi kiểm tra chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã Tân Lập. Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các thành viên của chốt nâng cao trách nhiệm; tăng cường kiểm soát đối với tất cả các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, tuyệt đối không để lợn và các sản phẩm từ lợn không có đủ giấy tờ nhập vào địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đồng Phú và các sở ngành hữu quan, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, địa phương phải xem việc phòng, chống dịch dịch tả lợn châu Phi như là cuộc tác chiến, phải thật sự chủ động, không tiến hành như công việc hành chính hàng ngày; đồng thời, phải tập trung tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ về tác hại, ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất, đời sống kinh tế của chính các hộ chăn nuôi, từ đó nêu cao ý thức phòng, chống hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Lợi cho rằng, từ một ổ dịch đầu tiên đến nay đã có một số huyện, thị thành phố bị dịch tả lợn châu Phi. Do đó, các địa phương cần xem lại việc tiêu hủy cho đúng quy định. Tỉnh yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải theo dõi sát sao, không để dịch lây lan.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải chủ động tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch, theo đó đối tượng tham gia chính là nông dân. UBND tỉnh xem xét kinh phí và chỉ đạo các ngành hữu quan xúc tiến hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng theo đúng đối tượng, đúng quy định.
Riêng đối với UBND huyện Đồng Phú, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị địa phương cần rà soát những nơi nào đã dập dịch tốt, đúng số ngày thì tiến hành công bố hết dịch để bà con tái đàn, góp phần ổn định sức tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ở 58 tỉnh, thành phố trong cả nước.