Phát biểu tại lễ trao giải, nhà văn Bùi Văn Nam Sơn cho biết, sau hơn 5 tháng làm việc nghiêm túc, với uy tín và công bình của 7 hội đồng xét giải cho 7 hạng mục sách khác nhau đã hoàn tất công tác lựa chọn những cuốn sách xứng đáng nhất để trao tặng giải Sách hay năm nay.
Trong mỗi hạng mục giải Sách hay lại vinh danh 2 tác phẩm đoạt giải nhất ở tiểu mục là sách dịch và sách viết. Tuy nhiên, tất cả các tác phẩm đều mang thông điệp góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội thông qua các hoạt động đa dạng liên quan đến sách hay. Từ đó, mỗi người sẽ biết lựa chọn sách hay, quảng bá sách hay và lan tỏa tri thức từ những cuốn sách hay; đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội.
Nói về điểm mới ở giải sách hay năm nay, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung cho biết, điểm mới của giải năm nay là giải đã vinh danh 2 tựa sách đều về giáo dục gia đình là: Tác phẩm “Dạy con trong hoang mang” 2 tập của T.S Lê Nguyên Phương và “Dạy con thành công như cả mẹ Hổ”, tác giả Maya Thiagarajan do Huyền Trang và Thủy Tiên dịch. Điều này cho thấy, vấn đề giáo dục trong gia đình đang được nhiều độc giả quan tâm, thậm chí giáo dục gia đình ngày nay như một “cứu cánh” cho độc giả khi môi trường giáo dục xã hội, giáo dục nhà trường đang tồn tại nhiều bất cập và bị nhiễu thông tin. Thời buổi công nghệ hiện nay, thông tin xấu đang nhiều hơn thông tin tốt, điều này ảnh hưởng lớn đến việc dạy con, do đó môi trường giáo dục trong gia đình, người mẹ trong gia đình cần dạy con trong tự tin, hoàn thiện nhân cách để con vững vàng bước vào cuộc sống.
Theo đó năm nay, ban tổ chức đã chọn được 14 cuốn sách hay nhất để trao giải ở 7 hạng mục sách khác nhau: Nghiên cứu, giáo dục, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi và phát hiện mới.
Ở hạng mục sách Nghiên cứu có 2 tiểu mục được trao giải nhất là sách dịch và sách viêt. Ở tiểu mục sách viết, tác phẩm đoạt giải là: “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại” (2 tập) của nhiều tác giả và do PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chủ biên, NXB Tri Thức xuất bản. Ở tiểu mục sách dịch, tác phẩm đoạt giải là “Xã hội cổ đại hay Nghiên cứu các con đường đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến văn minh”, tác giả L.H. Morgan do Nguyễn Hữu Thấu biên dịch.
Ở hạng mục sách Giáo dục: Có 2 tác phẩm đoạt giải Sách hay là: “Dạy con trong hoang mang” của T.S Lê Nguyên Phương (sách viết giáo dục) do Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp và Anbooks phát hành và tác phẩm “Dạy con thành công như cả mẹ Hổ”, tác giả Maya Thiagarajan do Huyền Trang và Thủy Tiên dịch (sách dịch giáo dục).
Ở hạng mục sách Kinh tế có 2 tác phẩm đoạt giải Sách hay như: “Từ nhà nước điều hành sang nhà nước phát triển”, của tập thể tác giả do NXB Tri Thức ấn hành (đoạt giải ở tiểu mục sách viết kinh tế). Tác phẩm “Giấc mộng Châu Á của Trung Quốc” của Tom Miller do dịch giả Đoàn Duy chuyển ngữ và T.S Phạm Hữu Thành hiệu đính, NXB Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn xuất bản (tiểu mục sách dịch kinh tế).
Ở hạng mục sách Quản trị có 2 tác phẩm đoạt giải là tác phẩm “Quyền tác giả đường hội nhập không trải hoa hồng” của tác giả Nguyễn Văn Nam, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành (sách viết) và tác phẩm “Cuộc dịch chuyển đại dương xanh” của tác giả W. Chan Kim và Renee MauBorgne do Huỳnh Hữu Tài dịch, Alphabooks và NXB Lao động - Xã hội xuất bản.
Ở hạng mục sách Thiếu nhi có 2 tác phẩm đoạt giải như: “Viết cho những điều bé nhỏ: Khi quá buồn hãy tưới nước cho một cái cây” của tác giả Trương Huỳnh Như Trân (giải sách viết), do NXB Kim Đồng ấn hành và tác phẩm “Bộ truyện cổ tích: Chàng hoàng tử hạnh phúc-Ngôi nhà thạch lựu” của tác giả Oscar Wilde.
Ở hạng mục sách Văn học có 2 tác phẩm đoạt giải là “Chuyện ngõ nghèo” của tác giả Nguyễn Xuân Khánh (sách viết) và dịch phẩm “Đời nhẹ khôn kham” của tác giả Milan Kundera.
Ở hạng mục sách Phát hiện mới có 2 tác phẩm đoạt giải là “Văn chương Sài Gòn - từ 1881- 1924” (2 tập) do tác giả Trần Nhật Vy sưu tầm (sách viết) và dịch phẩm “Homo Deus: Lược sử tương lai” của tác giả Yuval Noah Harari.
Dự án Sách hay là một dự án văn hóa - giáo dục phi lợi nhuận do gần 100 đồng sự tâm huyết và Trường PACE cùng khai lập năm 2007. Bắt đầu từ năm 2011, dự án này được điều hành bởi Viện Giáo dục IRED - một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận hoạt động vì một nền giáo dục khai minh.