144 tác phẩm điện ảnh đăng ký tham gia Giải thưởng Cánh diều 2018

Chiều 4/4, tại buổi giới thiệu Giải Cánh diều 2018 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: Có hơn 50 cơ sở sản xuất phim trên cả nước gửi phim đăng ký tham dự Giải Cánh diều 2018, với tổng cộng 144 phim, trong đó có 2 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.

Ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, có 14 tác phẩm như: “Song Lang”; “Tháng năm rực rỡ”; “Người bất tử”; “Nơi ta không thuộc về”… Hạng mục Phim truyền hình có 13 phim, trong đó có 10 phim dài tập (tổng cộng 326 tập) và 3 phim ngắn từ 90 – 100 phút như các phim: “Chàng rể tuổi Hợi”; “Cả một đời ân oán”...

Trong danh sách các phim gửi về tham dự Giải còn có các phim “Ngày ấy mình đã yêu” được Việt hóa từ kịch bản phim truyền hình Hàn Quốc “Tình yêu tìm thấy”; phim “Gạo nếp gạo tẻ - Phần 1” kịch bản được Việt hóa từ bộ phim Wang’s AFamily của Hàn Quốc; phim “Cả một đời ân oán” được Việt hóa từ kịch bản phim truyền hình Đài Loan, Trung Quốc “Cô dâu bạc triệu”.

Hội đồng Ban Giám khảo của Giải thưởng gồm 9 thành viên, trong đó có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim, nghệ sĩ nhân dân Trà Giang. Theo Ban Tổ chức, tiêu chí Giải thưởng Cánh diều 2018 tiếp tục đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Cơ cấu Giải thưởng gồm: Giải “Cánh diều Vàng”; “Cánh diều Bạc” và “Bằng khen” trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất mỗi thể loại: Phim ngắn, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim khoa học, phim truyền hình, phim truyện điện ảnh, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh truyền hình.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn trao các giải “Cánh diều Vàng” cho các cá nhân là người Việt Nam (kể cả người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) tham gia thực hiện các phim có chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu thuộc Việt Nam sản xuất gồm: Biên kịch (ngoại trừ biên kịch của phim làm lại từ kịch bản, phim nước ngoài), đạo diễn, quay phim, họa sĩ, người làm âm thanh, nhạc sĩ, diễn viên nam chính, diễn viên nữ chính, diễn viên nam phụ, diễn viên nữ phụ.

Lễ trao Giải thưởng Cánh diều 2018 được tổ chức vào ngày 12/4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh và phát sóng trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Trong đêm trao Giải, Ban Tổ chức còn tôn vinh cố nghệ sĩ nhân dân, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn và cố nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc vì những đóng góp, cống hiến to lớn cho nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà.

Đại diện Ban Tổ chức thông tin thêm, các phim điện ảnh dự Giải thưởng Cánh diều 2018 sẽ được trình chiếu miễn phí cho khán giả tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ các ngày 5 – 10/4/2019. Ngoài ra, tọa đàm “Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018” sẽ được tổ chức tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh vào ngày 9/4.

Giải thưởng Cánh Diều là Giải thưởng do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh, khích lệ những cá nhân, tập thể đã đóng góp tài năng, tâm huyết cho sự phát triển của điện ảnh trong nước. Đồng thời, Giải gửi đến người hâm mộ "nghệ thuật thứ bảy" góc nhìn toàn cảnh về những hoạt động, thành tựu của điện ảnh Việt Nam trong suốt một năm cống hiến và sáng tạo.

Gia Thuận (TTXVN)
Phim truyền hình 'Thương nhớ ở ai' thắng lớn tại Giải Cánh diều 2017
Phim truyền hình 'Thương nhớ ở ai' thắng lớn tại Giải Cánh diều 2017

Bộ phim truyền hình “Thuơng nhớ ở ai” của 2 đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đã giành chiến thắng lớn tại Lễ trao giải Cánh diều 2017 - Giải thưởng lớn nhất hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam, diễn ra tối 15/4 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN