Bảo tàng Báo chí Việt Nam: 14.000 hiện vật đang chờ ra mắt

Ở thời điểm việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đến rất gần, khá nhiều độc giả đặt ra câu hỏi: Công trình ấy sẽ có những gì để phục vụ người xem?

1. Cần nhắc lại, năm 2014, đề án thành lập Bảo tàng báo chí Việt Nam của Hội Nhà báo đã được Chính phủ phê duyệt. Cũng từ thời điểm đó, các bước chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng này bắt đầu được triển khai.

“Chúng tôi đứng trước một núi công việc, khi tất cả đều chỉ quen làm báo và hoàn toàn xa lạ với nghiệp vụ bảo tàng” - nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Trưởng ban quản lý các dự án thành phần Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết - “Và, mọi chuẩn bị của Hội Nhà báo diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn không có ngân sách Nhà nước”.

Bởi thế, vấn đề sưu tập tư liệu trưng bày được phía Dự án ưu tiên đặt lên hàng đầu trong vài năm qua. Việc sưu tầm chủ yếu được triển khai qua những đợt vận động, kêu gọi hiến tặng hướng tới các nhà báo và độc giả.

Một số bản báo trước 1945 được lưu tại bảo tàng, gồm báo Tiếng Dân của học giả Huỳnh Thúc Kháng và Nam Phong tạp chí của học giả Phạm Quỳnh.

“Và đến khi ấy, chúng tôi hiểu rằng mình là những người cực kỳ may mắn” - nhà báo Kim Hoa kể - “Bởi, rất nhiều nhà báo, nhà sưu tập và độc giả đã cùng tin tưởng vào dự án này và gửi đến chúng tôi những hiện vật đặc biệt của mình”.

Điển hình, ngay từ những ngày đầu tiên của dự án, nhà báo - nhà sử học Nguyễn Văn Khoa (nguyên Giám đốc Bảo tàng Thông tin) đã tìm tới phía tổ chức để tự nguyện tư vấn về công tác sưu tập tài liệu. Kèm theo, nhà báo này cũng tặng bảo tàng nhiều hiện vật giá trị, trong đó có một số tờ báo Tiếng Dân và lá thư của Tản Đà (trên cương vị chủ bút tờ tạp chí An Nam) gửi cho chủ bút một tờ báo tại Pháp với đề nghị hợp tác về nội dung.

Hoặc, để Bảo tàng tương lai có được một chiếc máy chữ cùng loại với chiếc máy chữ mà Bác Hồ thường sử dụng trong thập niên 1950, ông Bùi Thanh Ứng, nguyên Chủ tịch Hội Việt kiều tại Pháp, đã chủ động sưu tầm và tặng Hội Nhà báo chiếc máy đánh chữ.

Rồi, theo lời kể của nhà báo Kim Hoa, nhạc sĩ Phạm Tuyên từng khiến phía quản lý dự án “sốc”, khi ông “lẳng lặng” tới dự một buổi phát động rồi bất ngờ đưa tặng một bản Nam Phong tạp chí số Tết (do thân sinh của nhạc sĩ là học giả Phạm Quỳnh làm chủ bút). Rồi, nhà báo - nhà sưu tập nổi tiếng Trần Thanh Phương (nguyên Phó TBT báo Đại Đoàn Kết) đã tặng cho bảo tàng một gia sản đặc biệt với gần 40 bộ sưu tập và tập lưu. Đa phần, những tập lưu này đều là bản gốc, trong đó có những đầu báo điển hình giai đoạn trước 1975 của cả 2 miền.

2.
Đến giờ, đã có tổng cộng hơn 14.000 hiện vật được lưu giữ trong kho bảo quản của dự án. Rất nhiều trong số đó không chỉ hấp dẫn bởi nội dung tự thân, mà còn bởi cách mà các hiện vật ấy được lưu giữ trong hàng chục năm, trước khi “tìm đến” dự án này.

Chẳng hạn, trong kho tư liệu của dự án hiện có một chiếc loa khổng lồ bằng nhôm, vẫn còn nguyên dòng chữ CCCP - 1962 trên phần đáy. Chiếc loa ấy là một trong số những chiếc loa đã được sử dụng trong công tác tại khu vực sông Bến Hải trong thời kỳ tạm chia cắt 2 miền. Thế nhưng, thú vị hơn, sau ngày giải phóng, chiếc loa này lại được chuyển giao và “đi vòng” lên một tỉnh miền núi tại Tây Nguyên để tiếp tục được sử dụng trong đời sống hàng ngày, trước khi được chuyển giao cho dự án.

Hoặc, dù không phải là những tờ báo, nhưng 6 cuốn sổ khổ lớn mà nhà báo Trần Thanh Phương tặng cho bảo tàng lại là một bộ sưu tập vô cùng đặc biệt mà ông từng nhận từ  gia đình nghệ sĩ cải lương Kim Cương. Sống tại miền Nam, trải qua biến cố Phật giáo và cuộc đảo chính lật đổ Đệ nhất Cộng hòa (cùng trong năm 1963), ông thân sinh của nghệ sĩ Kim Cương đã cẩn thận cắt hàng chục bài báo về sự kiện này và dán vào sổ để lưu lại…

Bảo tàng sẽ hoạt động từ năm 2018

Dự kiến, sau khi được Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018. Bảo tàng đặt tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội) với diện tích trước mắt khoảng 1.500 m2 chưa kể phần kho và khu làm việc.



Theo thethaovanhoa.vn
Bảo tàng làng nghề đầu tiên
Bảo tàng làng nghề đầu tiên

Bảo Tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng một thôn đầu tư và tổ chức trưng bày giới thiệu về truyền thống của một làng nghề - làng nhiếp ảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN