Bảo tồn 'cây trăm tuổi' - Kỳ 1: 'Linh hồn' của làng

Không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh học, môi trường, những cây có tuổi đời hàng trăm năm còn gắn liền với lịch sử - văn hóa của từng địa phương. Nhằm mục đích vinh danh những cây cổ thụ này, từ năm 2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam (VACNE) đã có sáng kiến trao danh hiệu “Cây di sản Việt Nam” đối với những cây đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để danh hiệu này phát huy được hết ý nghĩa, “cây trăm tuổi” rất cần sự chung tay bảo vệ của cộng đồng dân cư.

Kỳ 1: “Linh hồn” của làng


Rặng duối cổ 18 cây có tuổi thọ hàng nghìn năm ở làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) hay cây bồ đề 200 năm tuổi ở làng Quỳnh Đô (Thanh Trì, Hà Nội) đã trở thành hình ảnh thân quen với mỗi người dân ở những ngôi làng này. Người dân trong làng bao đời nay luôn có ý thức bảo vệ cây như di sản quý báu của làng mình.

Rặng duối từ thời Ngô Quyền


Hiện nay, chưa có thống kê chính xác số lượng cây cổ thụ trên 100 năm tuổi tại Việt Nam. Theo một cuộc điều tra năm 2010 thì trên địa bàn Hà Nội (cũ) có 703 cây cổ thụ đại diện do 58 loài thực vật. Nhiều cây cổ thụ hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi còn tồn tại đến ngày nay chủ yếu nằm trong những đền, đình, chùa - những nơi tránh được “cơn lốc” đô thị hóa. Đa phần các cây này được người dân trân trọng và nâng niu như một di sản gắn liền với di tích.

Rặng duối cổ 18 cây ở Đường Lâm, Hà Nội, đã được công nhận là Cây di sản, thu hút nhiều khách du lịch đến với Đường Lâm.


Đến Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) một ngày cuối tháng 3, chúng tôi được người dân địa phương dẫn đường đến thăm rặng duối cổ cách làng chừng 1 km. Rặng duối tươi xanh quanh năm, nằm gần đền thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền – hai vị vua xuất thân từ làng cổ Đường Lâm - bao đời nay đã che chở cho nhiều thế hệ người dân Đường Lâm.


Ông Nguyễn Văn Tửu, một bậc cao niên của làng cho chúng tôi biết: “Tương truyền, rặng duối là nơi vua Ngô Quyền từng buộc voi, ngựa sau các cuộc tập trận cùng nghĩa quân để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán. Rặng duối um tùm tươi tốt bao phủ, che chắn cho cả làng. Có lẽ, nhờ sự bảo vệ của người dân địa phương mà rặng duối vẫn xanh tốt, mặc cho phải trải qua bao thăng trầm của lịch sử.


Ông Nguyễn Trọng An, Phó trưởng BQL làng cổ Đường Lâm, Hà Nội, cho biết, sau khi rặng duối cổ 18 cây được VACNE công nhận là Cây di sản vào ngày 22/4/2011, nơi đây đã trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu trong chuyến tham quan Đường Lâm của khách du lịch. “Rặng duối là một quần thể di sản văn hóa không chỉ của Đường Lâm mà của đất nước, là nơi để chúng ta tưởng nhớ đến những anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền. Vì thế, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ cây, không để cây bị xâm hại”, ông An cho hay.

Cây cùng người chống Pháp


Cũng gắn với lịch sử của làng, cây bồ đề có đường kính 5 người ôm đã đứng uy nghiêm trước cửa đình Quỳnh Đô (Thanh Trì, Hà Nội) từ hàng trăm năm nay. Nhiều người cao tuổi trong làng cũng không biết chính xác cây có từ khi nào, chỉ biết rằng khi họ còn nhỏ, cây đa đã có rồi. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, khi các cụ còn nhỏ, trong nhiều lần tu sửa đình làng những năm 1920 thì cây đã rất to rồi. Như vậy tính ra, cây bồ đề làng Quỳnh Đô đã có tuổi đời 150 - 200 năm. Trước đó, đối xứng phía bên kia cổng làng có một cây đa còn nhiều tuổi hơn cây bồ đề nhưng rất tiếc nay đã không còn.

Cây bồ đề ở đình làng Quỳnh Đô hàng trăm năm tuổi vẫn tỏa bóng xanh mát.


Ngày 16/3 vừa qua (nhằm ngày hội truyền thống của làng Quỳnh Đô), cây bồ đề cổ kính của làng đã vinh dự được nhận danh hiệu “Cây di sản Việt Nam”. Và đây cũng là cây di sản được công nhận mới nhất tính đến thời điểm này. Đại diện VACNE, GS.TS. Vũ Hoan đã đến dự lễ đón nhận danh hiệu Cây di sản cho cây bồ đề làng Quỳnh Đô. Ông cho biết: "Các cây di sản nói chung và cây bồ đề này nói riêng không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh học, môi trường mà nó còn là một phần lịch sử, văn hóa của địa phương mà bất cứ ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ". Còn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch VACNE thì bày tỏ sự ngạc nhiên khi được nhìn tận mắt cây bồ đề cổ thụ này. “Tôi đã đi nhiều nơi, được nhìn nhiều cây bồ đề già hàng trăm tuổi nhưng chưa từng thấy cây nào có dáng đẹp như cây bồ đề ở đây”.


Cây có chiều cao hơn 40 m, đường kính thân 3 m. Theo ghi chép còn lưu lại được, những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cây bồ đề là nơi treo cờ Tổ quốc, phát khẩu hiệu, truyền đơn kêu gọi nhân dân đoàn kết tham gia kháng chiến chống Pháp; là địa điểm tập trung dân quân du kích đi đánh phá đồn giặc, đi chặn bắt một toa vũ khí của địch ở đường tàu Văn Điển chuyển về cho cách mạng. Đây cũng là nơi đón nhận thương binh cho trạm y tế “Cấp cứu tiền phương” (đóng ở đình Quỳnh Đô) của mặt trận 60 ngày đêm ác liệt “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” diễn ra vào tháng 12/1946.


Bà Dương Thị Hảo (70 tuổi), một người dân trong làng kể lại: “Khi còn nhỏ, tôi thường được bố đưa ra đây chơi, đến nay, cây vẫn xanh tốt”.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Kỳ 2: “Chứng nhân lịch sử” ở trường làng

Bảo tồn kiến trúc phố cổ Hà Nội - Bài 1: Sửa nhà vì nhu cầu cuộc sống
Bảo tồn kiến trúc phố cổ Hà Nội - Bài 1: Sửa nhà vì nhu cầu cuộc sống

Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia và là điểm nhấn với bất kỳ ai đã đến Hà Nội. Nét hấp dẫn của không gian đô thị chủ yếu được tạo nên thông qua cảnh quan của các tuyến phố và các hoạt động tại không gian đường phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN