Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 187.000 người đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc, như: Hrê, Cor, Ca Dong, Hoa, Mường, Tày, Thái... Địa bàn cư trú của các dân tộc chủ yếu tại các huyện miền núi: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ. Mỗi dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi có những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng, phản ánh đời sống tinh thần, khát vọng sống và vươn lên để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, của cộng đồng dân cư, cũng như đời sống kinh tế - xã hội mỗi tộc người.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch ngày càng phát triển, đặc biệt là du lịch văn hóa. Trong đó tập trung vào khai thác các lợi thế về thiên nhiên, ẩm thực và một vài di sản văn hóa nổi bật như nghề dệt thổ cẩm, trình diễn cồng chiêng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: Nguồn lực đầu tư chỉ chú trọng vào lập quy hoạch xây dựng, gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo các địa danh lịch sử cách mạng. Nhận thức về vai trò của bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức...
Hội thảo lần này là cơ hội để thảo luận, tìm ra giải pháp khả thi nhằm kết nối, bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, truyền thông, hội thảo sẽ mở ra những hướng đi mới, thiết thực và hiệu quả trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu đã tham luận, cho ý kiến về thực trạng, cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó, góp phần làm rõ thêm các cứ liệu về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; đề xuất các nhóm giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng đề xuất tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn một số lễ hội để xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch gắn với lễ hội. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng, kết nối các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các đô thị. Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Quảng Ngãi cần chú trọng đến phương diện ẩm thực trong phát triển du lịch ở miền núi, bởi nó là một thành tố quan trọng trong văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên phong vị riêng của một vùng đất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nhấn mạnh sự phát triển của du lịch không thể tách rời khỏi chất lượng nguồn lực – yếu tố quyết định trực tiếp đến sự hài lòng của du khách, khả năng cạnh tranh của điểm đến và hiệu quả kinh tế mà ngành mang lại. Do đó, tỉnh Quảng Ngãi phải chú trọng đến việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch.
Phát biểu kết luận, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Hội thảo này đã nhận được rất nhiều ý kiến về công tác bảo tồn, phát huy các văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với phát triển du lịch. Các nhà khoa học cũng đã có những ý kiến sát thực trên cơ sở thực tế và các phản biện xã hội khác, giúp ngành Văn hóa, Du lịch có những bước đi vững chắc trong việc nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn trong giai đoạn tới.