Ngày hội đã mang đến cho người dân, du khách những tiết mục nghệ thuật công phu, giàu cảm xúc; những bộ trang phục truyền thống độc đáo, lạ mắt. Du khách được đắm mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân; trải nghiệm những môn thể thao truyền thống tiêu biểu. Tất cả những vốn quý đặc sắc nhất từ các bản, làng trên mọi miền đất nước được tỏa sáng nơi "miền đất thiêng" Quảng Trị, lắng đọng nhiều cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội khẳng định, Ngày hội với những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc từ 16 tỉnh, thành phố, giúp người dân và du khách thêm hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa. Ngày hội là sợi dây kết nối, xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các nghệ nhân, trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Tại lễ bế mạc, 22 tập thể và 7 cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong công tác tổ chức Ngày hội được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 12 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị. Ban Tổ chức đã công bố các giải thưởng về hoạt động văn hóa, du lịch như: Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống; Trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống của các dân tộc… Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao giải thưởng cho các đoàn có thành tích cao trong hoạt động thi đấu thể thao tại ngày hội. Theo đó, giải Nhất thuộc về Đoàn vận động viên quần chúng tỉnh Đắk Lắk. Giải Nhì được trao cho các tỉnh: Bắc Giang, Sơn La và Quảng Nam. Giải Ba thuộc bề các tỉnh: Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng nhận giải Khuyến khích toàn đoàn.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 có sự tham gia của 1.500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong khuôn khổ Ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao phong phú, đặc sắc như: Chương trình nghệ thuật khai mạc; Liên hoan Văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa và ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc…
Ngày hội kết thúc đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân và du khách, thực sự trở thành hoạt động văn hóa thiết thực nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Hoạt động góp phần quảng bá văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, thúc đẩy hiểu biết, tăng sự nhận diện bản sắc độc đáo của văn hóa từng vùng miền, đưa nước ta trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa toàn cầu với những nét riêng biệt.