Bảo vệ khẩn cấp ca trù

Dù khởi sắc, song ca trù vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Dù khởi sắc, song ca trù vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Một lớp nghệ nhân mới

Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2018, số lượng ca nương, kép đàn, trống chầu đã tăng lên gấp 10 lần so với lần liên hoan thứ nhất, năm 2005.

Nếu lần liên hoan đầu tiên năm 2005 chỉ có vỏn vẹn 20 nghệ nhân cao tuổi, hoạt động chủ yếu từ trước 1945, thì lần này có gần 200 nghệ nhân, nghệ sỹ của 15 đơn vị thuộc 13 tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều đơn vị đã đầu tư công phu để khôi phục những thể cách, không gian diễn xướng đã mai một của ca trù như giáo hương, giáo trống, hát thơ, múa bỏ bộ, múa bài bông… Sự xuất hiện của đội ngũ nghệ nhân trẻ tuổi, trong đó có nhiều gương mặt ca nương dù chỉ từ 9 - 16 tuổi, nhưng đã có vốn hiểu biết nhất định về ca trù, đồng thời thể hiện được một số thể cách khó của ca trù đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sự khởi sắc của ca trù.

PGS.TS Lê Văn Toàn, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, Chủ tịch hội đồng giám khảo tại liên hoan đánh giá, nhìn từ liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 này, có thể thấy được sức sống mới, diện mạo mới của ca trù Việt Nam, bởi nhiều tiết mục đặc sắc, tiêu biểu đã được trao truyền, phục dựng. Sự đa dạng, phong phú về phong cách nghệ thuật đồng thời cũng một lần nữa khẳng định, chất lượng nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật ca trù đã và đang hưng thịnh, từng bước đi vào đời sống xã hội đương đại. Chất lượng và người tham gia thực hành nghệ thuật ca trù ngày càng được nâng lên ở tầm cao mới.

Nhà nghiên cứu âm nhạc, PGS.TS Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn của liên hoan chia sẻ, liên hoan lần này vắng bóng những nghệ nhân lớn tuổi, mà thay vào đó là lớp nghệ nhân thế hệ mới, lớp trẻ được đào tạo, truyền dạy. Đây là điều đáng mừng, cho thấy lớp trẻ đã có nhiều người yêu thích ca trù. Bên cạnh đó, việc đưa ra những quy định ngặt nghèo cho liên hoan, như mỗi đoàn tham gia dự thi chương trình, bắt buộc phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách quy định, cho thấy, ít nhiều công tác bảo tồn, khôi phục những giá trị di sản ca trù đã có những chuyển biến tích cực.

Chú thích ảnh
Tiết mục của đoàn ca trù Hà Tĩnh tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2018. Ảnh: Công Tường – TTXVN

Còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu âm nhạc đều thừa nhận, ca trù hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến ca trù. Ngay tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 này, nhiều địa phương có di sản ca trù không cử đoàn tham gia liên hoan. Trong đó, vắng mặt ca trù của hai tỉnh Vĩnh Phúc và Nam Định, hai địa phương được đánh giá là 2 trung tâm ca trù vô cùng lớn. CLB Ca trù Xuân Đỉnh (Hà Nội), các đào nương, kép đàn tự bỏ tiền túi để lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại, trang phục biểu diễn để được tham dự liên hoan…

Một số địa phương tham gia liên hoan chưa só sự chuẩn bị tốt, nhiều chương trình dự thi của một số tỉnh, thành còn quá ngắn ngủi và chưa liền mạch, chưa có tính hệ thống chỉnh thể của một chương trình diễn xướng quy củ.

Đánh giá về thực trạng di sản ca trù hiện nay, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan thẳng thắn, ca trù hiện nay không chững lại mà cũng chẳng phát triển. Bởi khó khăn chung của các tỉnh sở hữu di sản là không có các nghệ nhân truyền dạy.

Sau gần 10 năm ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đến nay các nghệ nhân cao tuổi, những người có tên trong hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO đã không còn nhiều. Hiện, cả nước chỉ còn khoảng ba, bốn nghệ nhân, nhưng họ đã ở ngưỡng tuổi 90, hầu như không thể đàn, hát được nữa. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, đây thực sự là khó khăn nhãn tiền, vì các nghệ nhân cũng cao tuổi, nhiều người qua đời, nên việc đào tạo các nghệ nhân kế cận thường phải mời các nghệ nhân ở các tỉnh khác về tham gia.

Đào tạo một nghệ nhân đã khó, song chế độ chính sách ưu đãi cho nghệ nhân, cũng như việc đầu tư nuôi dưỡng những tài năng ca trù chưa được chú trọng, khiến nhiều tài năng ca trù phải bỏ nghề. Đơn cử như trường hợp nghệ nhân ưu tú D.T.X, nguyên chủ nhiệm một CLB ca trù ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vốn được giới ca trù ghi nhận là đào nương có giọng hát lạ, rất tâm huyết với ca trù, và được đánh giá là “một ngôi sao” về ca trù. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, vì nhiều lý do, ngôi sao này đã bỏ nghề đi… xuất khẩu lao động.

Di sản hát ca trù chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào tháng 10/2009. Từ đó đến nay, UNESCO đã hai lần hỏi về thực trạng bảo tồn di sản, vào năm 2014 và 2017. Song, đến nay, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc vẫn nhận định, ca trù chưa đủ khả năng để thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Nếu như không có bước đột phá trong việc bảo tồn và phát huy, không có chính sách đầu tư hiệu quả, không có cam kết và vào cuộc thực sự của cả cộng đồng, thì khả năng ca trù thoát danh sách cần bảo vệ khẩn cấp vẫn còn là một câu chuyện dài.

Lan Lộc/Báo Tin tức
Lớp đào nương kế cận tỏa sáng tại Liên hoan ca trù toàn quốc
Lớp đào nương kế cận tỏa sáng tại Liên hoan ca trù toàn quốc

Tối 5/11, tại Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Bế mạc Liên hoan ca trù toàn quốc 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN