Liên hoan thu hút 150 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 20 tỉnh, thành tham gia. Trong ba ngày (18 - 20/5) diễn ra Liên hoan, có 51 tác phẩm âm nhạc mới sáng tác được dàn dựng và trình diễn, trong đó có 49 ca khúc và 2 tác phẩm khí nhạc (gồm một tứ tấu và một độc tấu).
Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các ca khúc trong Liên hoan còn thiếu sự độc đáo mới lạ, nổi bật. Một số ca khúc viết có kỹ thuật, câu cú, bút pháp nhưng lại thiếu cái hồn làm rung động trái tim nên khó tiếp cận khán giả. Ngược lại, một số ca khúc giản dị nhưng đã có cảm xúc, cùng cách viết biết tận dụng chất liệu hay, gây được tình cảm với khán giả như: Về đây em phải thế (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai), Khúc tháng Giêng (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên), Làng (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh), Hồi sinh (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế), Điệp khúc đại ngàn (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi)… Các nhạc công khá điêu luyện về biểu diễn, có nhiều sự cố gắng trong sáng tác, đề tài tác phẩm phong phú, nhiều tác giả có sự tìm tòi, song khí nhạc trong Liên hoan còn nghèo nàn.
Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan cho biết, Liên hoan Âm nhạc toàn quốc là hoạt động mang tính chuyên môn cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm tạo cơ hội cho các nhạc sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, có thêm nhiều tư liệu, chất liệu sáng tác. Sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2022 đã diễn ra thành công tốt đẹp, chất lượng tác phẩm âm nhạc ngày càng cao so với các đợt Liên hoan trước. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã đắm mình trong không khí âm nhạc, cùng hoạt động và bàn luận chuyên môn sôi nổi, có những tác phẩm gây được tình cảm với công chúng và Hội đồng nghệ thuật.
Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh nhấn mạnh, Liên hoan đã có sự giao lưu vùng miền giữa miền núi với đồng bằng, giữa âm nhạc dân gian Tây Bắc với âm nhạc dân gian Tây Nguyên… Hy vọng Liên hoan đã để lại ấn tượng tốt đẹp, tình cảm sâu đậm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên Đắk Lắk và các đợt Liên hoan sau sẽ có những tác phẩm tốt hơn, mang lại những món ăn tinh thần phục vụ nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Sau Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2022, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm âm nhạc Tây Nguyên nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, đặc biệt là chất liệu âm nhạc dân gian đáng quý của khu vực Tây Nguyên.