Ngày 30/5, tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Đoàn khai quật khảo cổ học (Viện Khảo cổ học - Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) đã báo cáo kết quả bước đầu cuộc khai quật khảo cổ học di tích lịch sử Đồn Thứ và Trường Lũy tại thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Với những hiện vật tìm thấy, cũng như kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu lịch sử, đều nhất trí đề xuất Nhà nước công nhận di tích lịch sử Đồn Thứ và Trường Lũy là Di sản văn hóa cấp quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam), Trưởng đoàn khai quật khảo cổ di tích cho biết: Thông qua các hiện vật được phát hiện trong 5 hố thám sát lần này, có thể khẳng định Đồn Thứ đã tồn tại khoảng 100 năm, từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19. Đồn Thứ được xây dựng trên diện tích gần 1,6 ha, chia làm hai khu vực. Tất cả các tường đồn đều được xây bằng đá tự nhiên theo kỹ thuật xếp đá, không có chất kết dính. Toàn bộ tường quây đồn được xây dựng bằng kỹ thuật lõi đất đầm chặt ốp đá bên ngoài và xây gạch cấp, riêng bức tường ngăn giữa được xây hoàn toàn bằng đá với kỹ thuật xếp đá khá cao. Ở các góc đồn đều có một trụ lớn được xây cao vượt hẳn lên khỏi mặt tường, được coi là tháp canh với tổng cộng 5 tháp. Đồn có 4 cửa mở ra ngoài và một cửa thông giữa 2 khu vực. Cửa chính nam mở ra không gian ngoài đồn, nhìn xuống thung lũng Tam Quan, xa hơn là biển Đông. Bên ngoài cửa phía nam còn thấy rõ một phức hợp gồm hào, đường, sân, các bậc cấp đi lên.
Di tích Đồn Thứ và hơn 14 km Trường Lũy chạy qua 2 huyện An Lão và huyện Hoài Nhơn (Bình Định) là một mắt xích quan trọng trong toàn tuyến hệ thống Trường Lũy từ Quảng Ngãi đến Bình Định, với tổng chiều dài 127 km. Tại địa phận tỉnh Bình Định, Đồn Thứ và Trường Lũy còn khá nguyên vẹn.