Giới thiệu văn hóa Việt với “Ngũ biến” Cùng Nhà hát Kịch Việt Nam đi Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2016, NSND Lệ Ngọc đã được vinh danh ở giải thưởng “Hoa dâm bụt” giành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất trong chương trình “Ngũ biến”. Đây cũng là lần thứ 3, chị được giải thưởng quốc tế dành cho cá nhân, trong bảng thành tích chung của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Một cảnh trong chương trình “Ngũ biến”. |
NSND Lệ Ngọc kể, khi nhận được lời mời tham gia độc diễn tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2016, chị rất băn khoăn, không biết nên chọn tiết mục nào để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Sau khi trao đổi với NSND Anh Tú, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Lệ Ngọc quyết định chọn 5 giá hầu đồng cho một chương trình biểu diễn lấy tên là “Ngũ biến”, với mong muốn trình diễn những gì là bản sắc nhất của văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế chỉ bằng hình thức độc diễn.
Cái tên “Ngũ biến” khiến những người am hiểu sân khấu, dễ nhầm với một vở tuồng cổ nổi tiếng, kể về nữ nghĩa quân bị giặc truy đuổi, đã khôn khéo cải dạng năm lần, vượt qua cửa ải quân giặc, trở về với nghĩa quân, tiếp tục chiến đấu. Nhà hát kịch Việt Nam đã “mượn” hình ảnh biến hình ấy để đặt tên cho chương trình biểu diễn, được cấu trúc từ các giá chầu trong việc thực hành nghi lễ hầu đồng - một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người dân Việt Nam.
NSND Anh Tú và NSND Lệ Ngọc đã lựa chọn trong hàng chục giá đồng, để quyết định chọn 5 giá: Chầu Đệ Nhị Mẫu, Ông Hoàng Mười, Cô Bé, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh và Cô Bơ... cho lần trình diễn này. Để đảm bảo về thời gian, từng giá chầu được lựa chọn, cắt ngắn bớt một số động tác, nhưng vẫn đảm bảo diễn tả đầy đủ nhất và trọn vẹn thần thái của nhân vật trong từng giá chầu.
Với sự phối hợp ăn ý của các phụ diễn, NSND Lệ Ngọc đã biến hóa thành 5 nhân vật thần thánh, với những phong cách hoàn toàn khác nhau một cách thật nhịp nhàng, tinh tế. Khi thì hóa thân trong giá Ông Hoàng Mười, oai phong, lấy quạt làm sách, lấy bút làm trâm, vừa đi vừa ngâm thơ…
Khi thì hóa thân trong giá Quan Đệ ngũ Tuần Tranh oai phong một cõi, lẫm liệt tung hoành múa thanh long đao. Khi thì hóa thân thành Chầu Đệ Nhị Mẫu, quyền cai quản thượng ngàn, các bộ chúng sơn lâm sơn trang… Khi hóa thân thành Cô Bé nhí nhảnh, tinh nghịch, hay Cô Bơ xinh đẹp, tốt bụng giúp đỡ dân lành…
Có thể nói, NSND Lệ Ngọc đã biết tận dụng tốt nhất lợi thế của một nghệ sỹ kịch chuyên nghiệp, đưa những kỹ năng diễn xuất tốt nhất, cùng với âm nhạc, hóa trang... để làm nên một chương trình “Ngũ biến” có nhiều điểm khác biệt, nhưng cũng rất gần gũi với nghi lễ diễn xướng dân gian hầu đồng, mang nhiều yếu tố độc đáo của văn hóa Việt Nam.
NSND Lệ Ngọc chia sẻ, để có thể vào vai các giá chầu một cách nhuần nhuyễn, chị đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về từng giá chầu, sau đó liên tục luyện tập, mỗi ngày 3 buổi trước khi đi tham dự liên hoan. Và những cố gắng nỗ lực của chị và Nhà hát Kịch Việt Nam đã được đền đáp, với giải thưởng diễn viên xuất sắc và vở diễn xuất sắc.
Hết mình với nhân vật
NSND Lệ Ngọc được khán giả yêu sân khấu biết đến với nụ cười rạng rỡ, và chất giọng trầm khàn khá đặc biệt. Gần 40 năm theo nghiệp diễn, chị thành danh với nhiều vai diễn khác nhau.
Vốn đam mê với nghề diễn, Lệ Ngọc không chấp nhận “đóng khung” mình trong một loại vai diễn, mà luôn tìm tòi, sáng tạo và không ngừng làm mới mình trong từng vai diễn. Từ vai trẻ em đánh giày, cho đến vai bà lão, từ cô tiểu thư dịu dàng, đến vai mụ vợ quan tham lam, nghiệt ngã…
Lệ Ngọc đã thành công khi thể hiện những vai phản diện như bà Thêm, một nhân vật phụ nữ ít học, tham lam trong “Chia tay hoàng hôn”, một bà Xuyến có tri thức nhưng mưu mô xảo quyệt trong “Bến mê”. Nhưng khán giả cũng ngỡ ngàng khi thấy chị nhập vai bà già quê mùa, chất phác một cách nhuần nhuyễn trong vở “Trăng soi sân nhỏ”.
Rồi khi vào những vai hài hước, NSND Lệ Ngọc cũng tìm được cách diễn riêng, để rồi những vai khác nhau trong chương trình hài “Chuyện vặt” chị đều giành được cảm tình của khán giả.
Mới đây, khi đảm nhiệm vai bà An trong vở “Lâu đài cát”, chị lại thành công khi hóa thân vào một phụ nữ Hà thành thanh lịch, cam chịu, giàu vị tha và đức hy sinh, âm thầm chấp nhận cảnh “đeo mặt nạ” hàng chục năm, chỉ để giữ lại vẻ ngoài hào nhoáng, thuận hòa cho gia đình sống cảnh tứ đại đồng đường…
Dù là vai chính, vai phụ, dù hài kịch hay bi kịch, thì khi nhận vai, Lệ Ngọc luôn “cháy” hết mình với từng nhân vật. Chị luôn diễn bằng cả tâm hồn, với kỹ thuật diễn suất điêu luyện đến tự nhiên. Chị bảo, để làm được điều đó, đầu tiên là mình phải có tình yêu và đam mê với nghệ thuật sân khấu.
Cũng vì tình yêu ấy, mà dù không được gia đình đồng ý, chị vẫn cứ thi tuyển vào lớp diễn viên kịch nói của Nhà hát Kịch Việt Nam khóa 1978-1982, để rồi gắn bó với Nhà hát đến tận bây giờ.
NSND Lệ Ngọc hiện đang gấp rút luyện tập và hoàn thiện vở độc diễn mang tên “Người tình của khách sạn”. Trong vở diễn này, NSND Lệ Ngọc đảm nhận 6 vai khác nhau: Bà chủ khách sạn, ông đại tá, vai thi sỹ, thương nhân, người hầu, đệ tử khách sạn. Vở diễn này sẽ được đưa đi biểu diễn tại festival sân khấu tại Bănglađét, từ ngày 8/12/2016.
Nói về tình yêu với nghệ thuật sân khấu, NSND Lệ Ngọc gói gọn trong mấy từ: “đam mê, cháy hết mình với từng nhân vật”. Chị bảo, chỉ có đam mê, mới có thể một ngày 3 buổi lên sàn tập đến quên ăn quên ngủ.
Cũng chỉ có đam mê, mà mỗi khi nhận vai diễn, chị đọc, rồi học thuộc kịch bản, sau đó thu âm, rồi nghe đi nghe lại nhiều lần xem đã được chưa, rồi mới luyện tập các tư thế, động tác… Cũng vì đam mê, mà đến nay, dù đã nghỉ hưu, NSND Lệ Ngọc vẫn gắn bó với sân khấu, với Nhà hát Kịch Việt Nam.