Nhằm làm rõ hơn những vấn đề về lịch sử ở Cao Bằng, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng tổ chức 3 điểm khảo cổ học tại Thành Bản Phủ (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng), Thành Nà Lữ (xã Hoàng Tung huyện Hòa An) và xóm Bản Thảnh, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An.
Thành Bản Phủ nằm trên một vùng rộng lớn bao quanh là sông nước và đồng ruộng thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Theo truyền thuyết và sử sách, Thành Bản Phủ là nơi thiết triều của ba đời Vua Mạc là Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ trải dài 83 năm.
Nhóm nghiên cứu đã khai quật diện tích 150m2 ở góc Nam của tòa thành, kết quả tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ của Việt Nam và Trung Quốc của các đời nhà Lý, Trần, Lê sơ tới nhà Mạc, trong đó các mảnh gốm sứ nhà Mạc chiếm đa số. Gốm men Trung Quốc chủ yếu thuộc đời nhà Minh, thế kỷ 17. Dựa vào các loại hiện vật tìm thấy, nhóm nghiên cứu cho rằng Thành Bản Phủ được đắp vào khoảng thế kỷ 17, tương ứng với sự xuất hiện của nhà Mạc ở Cao Bằng.
Thành Nà Lữ là một trong 4 ngôi thành cổ quan trọng nhất của Cao Bằng. Theo truyền thuyết và một số tư liệu lịch sử ghi lại, Thành Nà Lữ do Cao Biền, một viên tướng nhà Đường khi tiến đánh nước ta xây dựng. Đến thế kỷ XI, Nùng Tồn Phúc thủ lĩnh châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) tiếp tục tu bổ, xây dựng. Đến năm 1589, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, lấy Thành Nà Lữ làm cố đô.
Tại Thành Nà Lữ, nhóm khảo cổ khai quật 2 hố, tổng diện tích 220 m2 và phát hiện nhiều bất ngờ khi tìm thấy dấu tích của một kiến trúc cổng thành, chân cổng thành, lòng cổng thành, ủng thành và các dải bó cổng thành. Tại đây nhóm khảo cổ cũng tìm thấy rất nhiều di vật gồm: Gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, kim loại… thuộc nhiều giai đoạn lịch sử như Đường, Minh (Trung Quốc) và Trần, Lê sơ, Mạc.
Tại điểm khảo cổ xóm Bản Thảnh, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, các nhà nghiên cứu khai quật trên diện tích 50m2 tại khu vực “Guốc đá Bản Thảnh”. Trong quá khứ, một số giả thuyết nghiên cứu cho rằng đây là di tích cự thạch có thể liên quan đến truyền thuyết "chín chúa tranh vua", gắn với nhân vật Thục Phán trong lịch sử. Tuy nhiên, qua khảo cổ và nghiên cứu, nhóm chuyên gia xác định cấu trúc đá xếp dựng ở Bản Thảnh sử dụng các vật liệu có niên đại từ thế kỷ 17 cùng các tảng đá vôi, đá cuội, gạch vồ, cọc gỗ cùng với các hiện vật gốm sứ đời nhà Minh ở thế kỷ 17. Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể đây là một cây cầu đá bắc qua suối, được xây dựng từ đời nhà Mạc, qua quá trình lịch sử, cây cầu bị hư hỏng, các thanh đá bị rơi trượt.
Qua đợt khảo cổ, nhóm nghiên cứu nhận định, do điều kiện hạn chế nên việc khảo cổ còn ở quy mô nhỏ, chưa thể đưa ra nhận định chính xác về lịch sử ở Cao Bằng, do đó, các điểm này vẫn còn nhiều tiềm năng nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu nhận định, tại các khu vực di tích đang bị xâm hại, đào phá nặng nề, không còn nguyên trạng, tỉnh Cao Bằng cần sớm có biện pháp hữu hiệu bảo vệ các điểm di tích, tránh cho di tích bị xâm hại.