Mai vàng báo hiệu Xuân sang
Những ngày giáp Tết, từ các tỉnh, thành phía Đông Nam Bộ như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cho tới trung tâm đất Tây đô Cần Thơ hay nơi miệt vườn sông nước Bến Tre, Cà Mau, sắc hoa Xuân đều đã ngập tràn.
Thời điểm này, khi ở miền Bắc những cánh hoa đào hé sắc hồng ấm áp báo hiệu mùa Xuân đã tới thì ở phương Nam, những cành mai vàng cũng khoe sắc rực rỡ, mang tới thông điệp mùa Xuân đã thực sự “gõ cửa”. Từ lâu, hoa mai vàng rực rỡ, tươi thắm trong nắng xuân luôn là biểu tượng của mùa Xuân phương Nam.
Nhà văn Hoài Hương - Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Không mai bất thành Tết phương Nam, thế nên hoa mai luôn được nhiều người ví như nàng tiên của sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Với mỗi gia đình, mai không chỉ là loài hoa để trang trí mà còn là biểu tượng của phúc - lộc trong năm mới.
Nếu vẻ đẹp của mùa Xuân miền Bắc là sắc đào hồng tuyệt mỹ như môi son thiếu nữ thì vẻ đẹp của mùa Xuân phương Nam lại không thể thiếu màu vàng rực của cánh mai, như mang nét phóng khoáng, nồng nhiệt, hồn hậu của con người nơi đây. Tết đến, nhiều gia đình ở Nam Bộ đã có sẵn cây mai trong vườn nhà bừng nở đón Xuân. Những nhà không trồng được sẽ đi mua cây mai về bày trang trọng trong nhà, gia đình ít có điều kiện hơn cũng có cành mai nhỏ hay cây mai mi-ni bày trên ban thờ tổ tiên.
Còn theo nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Hữu Khương (ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) người có nhiều năm gắn bó với nghệ thuật cây cảnh, một gốc mai vàng đẹp luôn hài hòa giữa vẻ cứng cáp, chắc chắn của thân, gốc với các thế như phụ tử, hạc bay, thế trực, tam đa, long cuốn thủy và những cánh hoa bung nở tròn, đều, sắc vàng tươi sáng. Hoa mai có rất nhiều loại nhưng hiện có hai loại mai phổ biến nhất là mai tứ quý ra hoa cả 4 mùa, hoa có 5 cánh, bông to và loại mai lai ghép có từ 10 cánh trở lên, có hương thơm thoang thoảng.
Chị Lê Hồng Trâm - cán bộ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang chia sẻ, một trong những nét văn hóa đặc sắc của mùa Xuân phương Nam mà chị thường giới thiệu đến du khách chính là nét đẹp của hoa mai ngày Tết. Với nhiều gia đình, nếu những bông hoa trên cây mai trong vườn hay những cành mai cắm trang trọng trong nhà bừng nở vào đúng đêm Giao thừa hoặc sáng mùng một Tết chắc chắn sẽ đem lại niềm vui lớn cho gia chủ, báo hiệu một năm mới nhiều may mắn, an vui.
Nét văn hóa ẩm thực ngày Tết
Không chỉ có những bông mai vàng rực rỡ bừng nở báo hiệu Xuân sang, Tết phương Nam còn có nét riêng đặc sắc thể hiện trong những món ăn dịp Tết của mỗi gia đình. Nhiều người dân Nam Bộ nói rằng, ngày Tết không thể thiếu cành mai vàng, đôi trái dưa hấu đỏ bày trên ban thờ và những món ăn trên mâm cơm như bánh tét, thịt kho tàu, tôm khô, củ kiệu… Đặc biệt, trong mâm cơm ngày cuối năm của mỗi gia đình còn có món canh khổ qua (mướp đắng) với ý nghĩa: Những gì chưa tròn vẹn hay những điều chưa vui trong năm cũ sẽ trôi qua hết, để đón một năm mới với những niềm vui sẽ tới.
Theo chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi - Trưởng ban Nghệ nhân, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, dịp Tết, những món ăn của mỗi gia đình người Việt không chỉ hàm chứa ý nghĩa mong muốn sự may mắn, tròn đầy; nhìn dưới khía cạnh dinh dưỡng, các món ăn trong mâm cỗ của người Việt ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều thể hiện sự hài hòa, cân nhắc sao cho các món ăn vừa ngon, vừa lành, phù hợp điều kiện thời tiết và cũng đủ lượng dinh dưỡng. Vì vậy, với món canh khổ qua của người Nam Bộ, chẳng những là món ăn thể hiện mong muốn mọi điều chưa vui sẽ qua mà còn có tác dụng bồi bổ, đem lại sự thanh mát, dễ chịu cho người thưởng thức, rất phù hợp với tiết trời trong ngày Tết ở phương Nam.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa người đã viết nhiều tác phẩm phản ánh về những nét văn hóa, phong tục, tập quán của người dân Nam Bộ cũng từng hồi tưởng: “Mùi Tết của gia đình tôi đến bắt đầu từ mùi thơm của món thịt kho tàu. Trong mâm cúng trưa 30 Tết, món thịt kho tàu gần như là món chính mà má tôi dâng cúng ông bà”.
Có một điểm khá đặc biệt nữa là người dân ở Nam Bộ, nhất là vùng Tây Nam Bộ thường có những món như các loại khô cá như khô sặc, cá dứa, cá lóc, cá kèo, cá khoai hay tôm khô để ăn trong gia đình và mời khách dịp Tết. Lý giải điều này nhiều người cho rằng, dịp cuối năm cũng là mùa thu hoạch ở Tây Nam Bộ, người dân thường phơi khô các loại cá, tôm để làm thực phẩm, hơn thế cũng là để trong những ngày Tết không phải lo lích kích chế biến. Hay như người dân ở nhiều vùng ven biển phía Nam thường ưa thích món canh cá nhám giàu (loại cá mập con) với quan niệm ăn món này trong năm mới sẽ mang lại sự giàu sang, thịnh vượng trong năm mới.
Xuân về, mỗi gia đình người Việt đều chuẩn bị đón Tết với nhiều phong tục, tập quán mang đậm hương sắc vùng miền. Riêng với những món ăn ngày Tết, theo các chuyên gia văn hóa ẩm thực, dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, các món ăn trong dịp Tết luôn thể hiện sự đa dạng trong thống nhất, đồng thời mang cả những nét sáng tạo, bản sắc của người dân mỗi vùng miền, góp phần làm nên nét văn hóa Tết cổ truyền luôn được duy trì, gìn giữ.