Theo đó, Nghị định 22/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 100/2006/NĐ-CP và Nghị định 85/2011/NĐ-CP, với những quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định 22/2018/ NĐ-CP được giải thích rõ hơn một số thuật ngữ so với các Nghị định trước đây như: Các vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan; quy định về sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại hoặc trong hoạt động kinh doanh thương mại; một số bổ sung về quy định biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất đối với tổ chức, đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan…
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập và trước những yêu cầu phát triển của thời đại, Việt Nam đã từng bước rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan nhằm đáp ứng những cam kết đối với quốc tế. Dù vậy, trên thực tế tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.
Ông Bùi Nguyên Hùng cho rằng, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực và ở những mức độ khác nhau, trong đó đặc biệt vi phạm trên môi trường số và internet. Đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Các vi phạm này ít nhiều đã ảnh hưởng đến khả năng phát huy sáng tạo của tác giả và đồng thời cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam và các quốc gia khác.
Do vậy, Nghị định 22/2018 được Chính phủ ban hành với những điểm mới nhằm khắc phục hạn chế và không mâu thuẫn với các luật hiện hành, nhấn mạnh vào các quy định, quyền của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.Đại diện Cục bản quyền tác giả cho biết, sẽ tiếp tục nhiệm vụ kiện toàn, rà soát các quy định nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cá nhân hoạt động hiệu quả phù hợp với thực tiễn.
Là địa phương có hoạt động nghệ thuật giải trí phong phú nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện tốt các nghĩa vụ về khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc của các tác giả. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, còn nhiều tụ điểm quán bar, vũ trường, các quán cafe nhỏ... có biểu diễn vẫn chưa kiểm soát được hết. Bên cạnh đó, kinh doanh trên môi trường mạng là một xu hướng đang phát triển mạnh có nhiều tiềm năng, có sức hút với nhiều người. Tình trạng vi phạm bản quyền trên internet diễn ra trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng.
Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.Trao đổi về vấn đề năng lực của cán bộ chuyên môn, ông Nguyễn Thanh Phú, quyền Trưởng Phòng Nghệ thuật - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ bày tỏ, đội ngũ công chức quản lý và thực thi pháp luật lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn thiếu và đa phần kiêm nhiệm nhiều công việc, mức độ chuyên sâu của nhân lực lĩnh vực này còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Mặt khác, vẫn còn bộ phận chủ thể chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo các quy định pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Ông Phú cho rằng cần tiếp tục đầu tư và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng mức xử phạt hành chính, tăng hình phạt xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự, hình sự, đặc biệt là những trường hợp tái phạm nhiều lần, mang tính chất nghiêm trọng.