Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Vương Duy Biên nhấn mạnh: Bảo hộ quyền tác giả đã và đang là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Đây là động lực thúc đẩy con người sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị.
Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy việc thực thi các quyền tác giả và quyền liên quan một cách hiệu quả nhất.
Bà Soo Hyun Myung - chuyên viên cao cấp của WIPO chia sẻ: Việt Nam có nền văn hóa đa dạng. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đây vừa là thuận lợi vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc thực thi, bảo hộ quyền tác giả trên nhiều phương tiện thông tin hiện đại. Do vậy, việc bảo hộ, thực thi quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ cần được tạo lập sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan như: Vai trò của quyền tác giả đối với sự phát triển công nghiệp sáng tạo; thách thức đặt ra đối với hệ thống quyền tác giả trong thời đại số; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực thi quyền tác giả trong môi trường số…