Để nhuận bút là cú hích cho sáng tạo nghệ thuật

Nghị định 21/2015/NĐ-CP Quy định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/4/2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực về việc kích thích sáng tạo của nghệ sĩ, một số nghệ sỹ vẫn còn khá băn khoăn.


Nghị định 21 ra đời sẽ khích lệ sáng tạo nghệ thuật. Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Biến dạng” của Nhà hát Tuổi trẻ.


Nghị định 21/2015/NĐ-CP được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước hoặc khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước. Bên cạnh nguyên tắc thỏa thuận giữa các bên, Nghị định 21 cũng bổ sung một nguyên tắc quan trọng là phải đảm bảo nhuận bút không chỉ cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm phái sinh (là các tác phẩm dịch, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn) mà cho cả tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc khi tác phẩm phái sinh được khai thác, sử dụng. Nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung một số chức danh sáng tạo, chẳng hạn trong lĩnh vực điện ảnh, tên gọi một số chức danh sáng tạo được điều chỉnh lại như: đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo, người làm hóa trang...

Theo ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, Nghị định 21 ra đời là một sự thay đổi tiến bộ, các tác giả sân khấu được chi trả mức nhuận bút tương đối thỏa đáng, khích lệ được ê kíp sáng tạo trong biểu diễn sân khấu. Bên cạnh đó, nó đã dần tiếp cận cơ chế thị trường, cho phép các đơn vị công lập được hưởng một phần ngân sách Nhà nước hoặc các đơn vị tự chủ được lựa chọn cách thức tính thù lao theo tỷ lệ phần trăm doanh thu. Việc thỏa thuận thu theo tỷ lệ phần trăm doanh thu là một cách buộc tác giả chấp nhận trách nhiệm cùng đơn vị biểu diễn về tác phẩm của mình. Điều này buộc những ê kíp sáng tạo có trách nhiệm và cùng gánh chịu phần trăm, nâng cao vai trò trách nhiệm của nghệ sỹ sáng tạo. Thêm vào đó, Nghị định cũng không ràng buộc và trói chặt giữa ê kíp sáng tạo và dơn vị sản xuất chương trình, cho phép họ tự lựa chọn phương thức nào hiệu quả và sáng tạo nhất.

Tuy nhiên, ông Trương Nhuận cũng đưa ra khó khăn, hiện nay, ở ngoài Bắc một số nhà hát đang là đơn vị sự nghiệp công lập, đã dần theo lộ trình chuyển hóa theo Nghị định 40/2012 của Chính phủ về tự chủ trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Sang năm 2015, ngoài hai đơn vị tự chủ 100% về hoạt động biểu diễn nghệ thuật là Nhà hát Nghệ thuật Đương đại và Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, trong 3 năm từ 2015 - 2017, Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam, Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát múa rối Trung ương cũng đã bước vào lộ trình cắt giảm kinh phí sự nghiệp, để trở thành đơn vị tự chủ, về kinh phí hoạt động 100%. Thực tế này sẽ bắt buộc các đơn vị sản xuất chương trình phải tính toán, cân đối hợp lý về vấn đề thu chi trong quá trình dàn dựng các tác phẩm biểu diễn.

NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, Nghị định 21 quy định việc chi trả nhuận bút theo khung mới ra đời giúp các nghệ sỹ có thêm động lực sáng tác. Lấy ví dụ, trước đây, theo quy chế chi tiêu nội bộ, 1 đạo diễn xiếc được trả khoảng 10 triệu cho 1 kịch bản, nhưng nay theo Nghị định quy định thì được trả khoảng 40 triệu, gấp 4 lần mức cũ. Với mức này người làm công tác sáng tạo sẽ có động lực thúc đẩy để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng.

Trong khi đó, NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho rằng, ở Nghị định 21, nhuận bút, thù lao chi trả cho đội ngũ biên kịch tăng cao, ở hầu hết các loại hình như chèo tuồng, cải lương, kịch nói, kịch thơ, các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc trình diễn trong nhà, chương trình nghệ thuật trình diễn tại quảng trường, diễu hành nghệ thuật, lễ hội… biên kịch được trả thù lao rất cao, còn đạo diễn, là người rất vất vả trong việc chỉ đạo, dàn dựng chương trình, lại được trả thấp hơn biên kịch là chưa phù hợp. Một số vị trí sáng tạo nghệ thuật khác như mức thù lao cho thơ múa so với kịch múa cũng chưa thực sự phù hợp, bởi sáng tác một tổ khúc thơ múa dễ hơn nhiều so với kịch múa.

Hầu hết, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều cho rằng, Nghị định ra đời là cú hích cho sáng tạo nghệ thuật, tuy nhiên, điều khiến các nghệ sỹ băn khoăn nhất là lấy kinh phí ở đâu để chi trả theo khung mới. Trên thực tế, nguồn kinh phí cấp cho các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật địa phương. Nghị định 61 cũ với mức chi trả thù lao thấp hơn, vậy mà không ít các địa phương đã không chịu thực hiện với lý do không có kinh phí. Vậy với khung nhuận bút mới này cao hơn thì việc chi trả càng khó thực hiện hơn. Lời giải cho bài toán khó này, theo các nghệ sỹ, các nhà quản lý thì khi thù lao cho sáng tác tăng lên, thì ngân sách cũng phải tăng theo tỷ lệ thuận, có như vậy thì việc đưa Nghị định 21 vào cuộc sống mới trở thành hiện thực.

Phương Lan - Mỹ Anh
Nghị định quy định nhuận bút đối với các tác phẩm nghệ thuật

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo giới thiệu Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN