Núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hi Cương (Việt Trì, Phú Thọ) có đền thờ Vua Hùng, nơi hàng năm diễn ra Lễ Giỗ tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc, nhất là các nhà nghiên cứu chuyên sâu về thời đại các Vua Hùng, đều khẳng định: Đền Hùng là ngôi đền cổ nhất ở nước ta.
Có từ hơn 3.000 năm trước
Ngọc phả nói rằng, đời vua thứ 6 là Hùng Huy Vương, cầu được Thánh Gióng là tướng nhà Trời xuống giúp đánh đuổi giặc Ân. Để tạ ơn Trời, nhà vua đã dựng miếu thờ trên đỉnh núi, sau này phiên ra chữ Hán gọi là Kính Thiên lĩnh điện, tức là Đền Thượng. Như vậy là hơn 3.000 năm trước trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đã xuất hiện ngôi miếu thờ Trời do Vua Hùng thứ 6 lập nên, một địa chỉ tín ngưỡng cổ nhất nước ta.
Du khách thập phương đến thăm Đền Hùng.Ảnh: Lê Phú |
Theo Ngọc phả, đời Vua Hùng thứ 18 (Duệ Vương) không có con trai nên đã tổ chức thi tuyển rể cho nối ngôi. Tản Viên động chủ Ba Vì là trang nam nhi kiệt xuất đã thắng cuộc được lấy công chúa Ngọc Hoa, nhưng chàng từ tạ không muốn nối ngôi. Bị vua cha ép mãi chàng tạm nhận. Thấy vậy Thục Phán là cháu họ Vua Hùng (làm tù trưởng bộ Tây Vu) đem quân đến tranh ngôi với Tản Viên. Cuộc chiến tranh Hùng - Thục xảy ra ác liệt nhiều năm. Thục Phán luôn luôn thua nhưng ông ta nhất định không chịu thôi. Cuối cùng Tản Viên khuyên Vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Phán được lên làm vua cảm kích lên núi Nghĩa Lĩnh lập “Lưỡng thạch trụ ư sơn trung” thề rằng đời đời thờ phụng nhà Hùng và giữ gìn đất nước. Phán dựng miếu thờ 18 đời Vua Hùng trên núi và đón tông tộc nhà vua về ở dưới chân núi giao cho trông nom cúng bái, cắt đất ngụ lộc cho họ từ Việt Trì lên Tuyên Quang. Hiện nay lưỡng thạch trụ vẫn ở trong Đền Hạ. Ngôi đền này đã trải qua thời gian, lịch sử đã mất dấu tích cũ và nhiều lần được xây dựng, trùng tu lại...
Tại ngôi đền cổ nhất Việt Nam này còn có những dấu tích linh thiêng khác. Đó là mộ Vua Hùng thứ 6 ở sườn núi phía đông, năm 1874 được xây lên thành Lăng. Tiếp đó là quán nghỉ ngơi của các Vua Hùng khi lên làm lễ ở điện Kính Thiên và bàn việc cơ mật với Lạc Hầu, Lạc Tướng, nay được gọi là Đền Trung. Bãi bằng trước Đền Hạ theo truyền thuyết là nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm con trai. Rồi hai người chia tay, đức Lạc Long Quân dẫn 49 con về miền biển, Mẫu Âu cơ dẫn 50 con lên núi, để lại người con cả làm vua. Cuối cùng là giếng Ngọc nước mát trong tại chân núi phía đông nam. Hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa theo cha lên núi thường rửa mặt, chít khăn ở giếng này. Thời Hậu Lê làm đền trùm lên giếng để thờ...
Đền thờ ông vua của nghề lúa nước
Cách đây hơn 4.000 năm, Vua Hùng đã đem cây lúa mọc tự nhiên cấy xuống nước thuần hóa thành cây lúa chiêm, tạo ra nguồn lương thực dồi dào cho dân ta. Sách Giao Châu ngoại vực ký của người Hán viết hồi thế kỷ III nói rằng: “Ở Giao Chỉ thời xưa chưa có quận huyện thì đất đai có ruộng Lạc, ruộng ấy theo nước triều lên xuống mà làm. Dân khẩu ruộng ấy mà ăn nên gọi là dân Lạc. Đặt ra Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện. Các quận huyện phần nhiều là Lạc Tướng. Lạc Tướng thì có ấn đồng dải xanh”. Câu này cho thấy thời Hùng Vương dân ta làm ruộng Lạc. Từ ruộng Lạc mà cư dân gọi là Lạc dân, vua, quan cũng mang danh hiệu ấy (Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc Vương - chính là Hùng Vương).
Ruộng Lạc là ruộng chiêm ngâm nước quanh năm, chiếm phần lớn diện tích đồng đất xứ ta. Theo nước triều lên xuống mà làm tức là theo mùa lũ lụt và mùa khô cạn của các con sông, rõ rệt nhất là hệ thống sông Hồng, sông Lô, sông Đà chảy qua bộ Văn Lang, hợp lưu tại Việt Trì. Thủy chế hàng năm của chúng là mùa lũ lụt từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch nước sông tràn vào ngập lút đồng chiêm, mùa khô hạn là tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau, khi đó nước trong đồng rút ra sông, để lại phù sa, bùn ngấu, chỉ việc trang cào phẳng phiu rồi cấy lúa, rất dễ dàng.
Vua còn phát hiện ra chòm sao Thần Nông hình người mọc ở phía Tây Nam bầu trời. Cứ đêm rằm tháng tám, nếu hình ông Thần Nông hiện ra rõ ràng thì năm đó vụ mùa bội thu; hình ông Thần Nông hiện ra mờ nhạt thì vụ chiêm đó kém sút. Vì vậy vua lập đàn cầu Thần Nông bên bờ Đồng Lú, nhìn về hướng Tây Nam mà làm lễ. Người Việt cổ quan niệm chòm sao đó là vị thần trên trời, nên mới suy tôn các Vua Hùng là con cháu Thần Nông.
Thời phong kiến, tại Đền Thượng vẫn treo hạt lúa thần đục bằng gỗ to như chiếc thuyền câu, tượng trưng cho nghề làm ruộng của các vị Thánh tổ Hùng Vương (năm 1949 quân Pháp đóng trên cao điểm Đền Hùng lấy mất hạt lúa thần). Nhân dân ta trải hơn 4.000 năm sống bằng hạt thóc, sản xuất theo quy trình gieo mạ cấy lúa của các Vua Hùng. Mấy chục năm nay nước ta xuất khẩu gạo góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Vì vậy tín ngưỡng Vua Hùng ông tổ của nghề cấy lúa nước, mãi mãi có ý nghĩa lịch sử và nhân văn quốc tế. Cho đến ngày nay, Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là ngôi đền chung của cả nước, là nơi dân tộc ta làm Lễ Giỗ tổ hàng năm hết sức uy nghi, thể hiện tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhớ ơn tổ tiên đã gây dựng nền tảng cuộc sống ấm no cho con cháu.
V. K.B