'Đi chùa xin tài lộc là trái với đạo Phật'

Trước những hiện tượng lộn xộn, xô bồ, thái quá ở các đền chùa, lễ hội tín ngưỡng đầu năm, phóng viên Báo Tin tức có cuộc trò chuyện, trao đổi với Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (ảnh), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thực hiện nghi lễ đối với người đi lễ chùa để vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục, vừa tránh những hành động trái với giáo lý nhà Phật.



Việc đi lễ chùa đầu năm để cầu xin tiền tài, phúc lộc và may mắn… đã trở thành suy nghĩ và thói quen của nhiều người, vậy điều đó có đúng với giáo lý nhà Phật không, thưa Hòa thượng?


Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Ngoài những người quy y theo đạo Phật, nước ta có rất nhiều người có tín ngưỡng thờ Phật và thường đi lễ chùa đầu năm. Họ đi lễ Phật cầu bình an, cầu sức khỏe, gia đình hạnh phúc, nhân dân an lạc, thế giới hòa bình... Đó là mong muốn của nhiều người khi đi lễ Phật.


Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người đi lễ chùa thường cầu xin tiền tài, phúc lộc, điều này sai lầm và hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật. Phật Giáo là một tư tưởng triết học lớn, do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi xướng. Vì vậy, hình tượng Đức Phật ở đây mang ý nghĩa như một nhà tư tưởng, khuyên răn con người theo đạo Phật làm nhiều việc thiện, tránh việc ác.


Không nên quan niệm Phật là đấng tối cao, có mọi quyền năng để có thể ban phát tiền tài, địa vị cho người này mà không ban phát cho người kia, hoặc trách phạt ai đó… Kinh Phật có dạy: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các người lãnh cái quả do mình gây ra”, có nghĩa là, mọi hành động của con người đều có nhân - quả. Người tạo nhân tốt lành, thường xuyên làm việc thiện thì quả tốt lành nhất định sẽ đến với họ.


Và cũng không phải cứ đi lễ Phật, cầu xin Phật là mọi thứ sẽ được như ý, sẽ tốt lành... Con người muốn bình an, hạnh phúc thì trong cuộc sống thường ngày, ta phải làm việc theo hiến pháp, pháp luật, sống đúng với đạo lý. Muốn ấm no, hạnh phúc không có gì khác ngoài việc phải làm việc, lao động chân chính. Còn nếu cứ cầu Phật mà lại không làm theo lời Phật dạy, không theo giáo lý nhà Phật, không làm việc thiện, không giúp đỡ người nghèo khó, lại lười lao động, thiếu tu dưỡng đạo đức thì có đi chùa cũng như không, và đều dẫn đến bất hạnh...


Vậy ta nên hiểu thế nào cho đúng với việc đi lễ chùa đầu năm, thưa thầy?


Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Đối với những người hiểu biết về Phật giáo, tự nguyện phát tâm hướng Phật, thì đến chùa trước hết là lễ Phật, vì quý kính công đức, trí tuệ của Phật mà đi lễ. Sau lễ Phật là tham gia tụng niệm, học hỏi chánh pháp, tập tu đức hạnh, làm nhiều việc thiện để tâm thanh thản, khi tâm thanh thản thì trí óc sẽ minh mẫn, lúc đó sẽ giải quyết công việc trôi chảy. Cũng có người vì mưu sinh, đua chen trong cuộc sống thần kinh bị căng thẳng, nên tìm đến thiền môn, ngắm khung cảnh thanh nhàn, u tịch của ngôi chùa để tâm hồn lắng xuống, thần kinh dịu lại, trong những giờ phút đó con người sẽ cảm thấy gánh nặng cuộc sống như vơi nhẹ đi.
Từ những vấn đề trên, chúng ta thấy các hành động như: chen chúc, giẫm đạp để giành giật nhau đồ lễ; cúng đồ lễ gồm quá nhiều tiền âm phủ, vàng mã, đồ ăn mặn; quăng tiền thật bừa bãi ở gốc cây, tượng Phật, thú đá; xếp hàng rồng rắn, sắm lễ vật tiền triệu để cầu an, giải hạn… thật chẳng mấy ý nghĩa và lãng phí vô cùng.


Cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau để xin ấn tại Đền Trần (Nam Định). Ảnh: Quốc Khánh.



Vậy khi đi lễ chùa thờ Phật, người đến lễ nếu muốn dâng lễ thì dâng những gì là đúng với đạo Phật, thưa thầy?


Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Người đi lễ chùa chỉ cần thành tâm, Phật không bắt mang theo lễ. Nếu có tâm mua lễ, thì chỉ nên mua ít hoa, trái cây, thẻ hương hay cây nến, tuyệt đối không dâng cúng đồ mặn, không dâng cúng các loại tiền vàng, đồ mã. Và nếu có mua lễ thì cũng chỉ cần mua 1 lễ, đặt ở ban chính, rồi đi lễ các ban xung quanh là được, không nên nghe lời những người bán hàng, cho rằng chùa có bao nhiêu ban thờ thì phải mua đủ bấy nhiêu lễ mới được…

Xin thầy cho biết ý kiến về việc nhiều người dân lên chùa đốt rất nhiều vàng mã?


Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Việc đốt vàng mã đến cửa Phật để cầu xin tiền tài là chuyện hoàn toàn không có trong Đạo Phật. Ngay bản thân các nhà chùa khi làm lễ cúng cho những sư đã khuất, cũng không đốt tiền vàng, đồ mã. Việc bỏ tiền thật mua tiền giả, mua đồ mã để đốt là hành động vừa lãng phí tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường dễ gây bệnh tật và quan trọng là nó không đúng với đạo Phật.

Việc nhiều người đến chùa cứ nhất định đổi tiền lẻ, đặt ở các nơi, thậm chí giắt lên tay, chân tượng Phật... như vậy đúng hay sai? Nếu người dân muốn công đức thì phải làm thế nào cho đúng, thưa thầy?


Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Người đi lễ chùa nếu có tâm muốn công đức cho nhà chùa, thì chỉ cần đặt tiền một lần, vào một hòm công đức của nhà chùa, như vậy là đủ. Bởi theo giáo lý nhà Phật, “Tâm xuất Phật biết”, chỉ cần tâm mình nghĩ thì Phật đã biết rồi. Việc nhiều người đi lễ chấp nhận thiệt thòi để đổi tiền lẻ vào chùa đặt ở tất cả các ban là điều hoàn toàn không cần thiết. Không những thế, việc để tiền lẻ lung tung khắp nơi, vừa phản cảm, lại vừa làm mất đi vẻ tôn nghiêm của chốn thanh tịnh.


Chính vì vậy, thay vì mất tiền để đổi được tiền lẻ, ta hãy dùng luôn tiền đó công đức cho nhà chùa, hoặc làm những việc thiện như đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, cho những trẻ em và người nghèo khó... Việc đổi tiền lẻ đặt ở mọi nơi vừa không có ý nghĩa gì, vừa gây lãng phí và cuối cùng chỉ có lợi cho những người đổi tiền mà thôi.


Ngay cả việc nhiều người đến các nơi như suối Giải Oan (chùa Hương), giếng Ngọc (đền Hùng)... ném tiền xuống đó cũng là sai trái và không có ý nghĩa gì cả. Việc ném tiền xuống giếng, xuống suối là một hành động hủy hoại đồng tiền, phương tiện lưu thông đại diện cho quốc gia... Nếu sống không tốt, tâm không thiện, làm nhiều việc ác thì dù có ném nhiều tiền thì cũng không thể giải được oan, không thể gặp may mắn, bởi như tôi đã nói, Đức Phật đã dạy con người sống theo luật nhân - quả.


Xin cảm ơn Hòa thượng!


Phương Lan (thực hiện)

Văn hóa đi lễ: Bài 2: Sự cuồng tín của người đi lễ
Văn hóa đi lễ: Bài 2: Sự cuồng tín của người đi lễ

Một hành động vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống lại bị biến tướng một cách thái quá, không chỉ phản cảm mà còn là hành vi sai trái được những nhà nghiên cứu văn hóa lý giải do xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và sự cuồng tín của một bộ phận người đi lễ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN