Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá thuộc xã Xuân An và Gò Đá nằm trên địa bàn phường An Bình, thị xã An Khê được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước phát hiện từ giữa tháng 6/2014. Với nhiều hiện vật đồ đá, địa tầng, di vật và kết quả phân tích những mảnh thiên thạch phát hiện tại đây đã khẳng định sự tồn tại một cộng đồng cư dân cổ cùng thành tựu văn hóa đầu tiên của loài người từ hơn 80 vạn năm trước. Điều này cũng đồng nghĩa sự hình thành và phát triển ở vùng đất này đã được định hình từ rất lâu, trở thành luận cứ vững chắc khẳng định giá trị bất biến về ý nghĩa khảo cổ học, lịch sử học của Rộc Tưng - Gò Đá nói riêng, thị xã An Khê nói chung trong bản đồ phát triển nhân loại.
Ngoài giá trị lịch sử của vùng đất Tây Sơn thượng đạo chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử có giá trị, giờ đây thị xã An Khê sẽ được biết đến nhiều hơn bởi quần thể di tích cấp quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá. Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai có 13 di tích cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Về bộ rìu tay An Khê, tuy chỉ có có 7 chiếc, nhưng mang một số đặc trưng trong giai đoạn tối cổ của nhân loại. Rìu được làm từ đá cuội quartzite, kích thước lớn, thân hình mũi lao với một đầu thuôn nhọn và một đốc cầm tròn; vết ghè tập trung ở 2/3 thân kể từ đầu nhọn, ghè 2 mặt, hướng tâm, tạo ra một đường nổi cao chạy từ đầu nhọn đến gần đốc cầm, dày ở giữa và mỏng dần về hai rìa. Các vết ghè nhỏ, đan nhau, tạo rìa lưỡi zích zắc; có kích thước trung bình thân dài 20,7 cm, rộng 11,9 cm, dày 7,4 cm, nặng 1,9 kg. Bộ rìu tay An Khê gợi lại kỹ thuật và hình thái rìu tay của kỹ nghệ Acheulean (Pháp), vốn được xem là đặc trưng tiêu biểu cho sơ kỳ Đá cũ châu Âu và châu Phi, có tuổi từ 500.000 năm đến 300.000 năm BP.
Điểm khác là ở chỗ, rìu tay Acheulean được làm từ đá lửa, ghè hai mặt, có một lưỡi mỏng nhọn, đốc cầm rộng và dày, thân có các kiểu hình tam giác, trái tim, quả hạnh nhân, mũi lao, hình trứng, hình đĩa và hình elip, tiêu biểu nhất là hình quả hạnh nhân và hình mũi lao.