Chương trình có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện thông qua sắc màu thời trang, âm nhạc. Chương trình đa dạng nội dung, thể loại. Nhiều tiết mục biểu diễn trẻ trung, năng động với sự góp mặt của các ca sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh (Phùng Phước Thịnh, Tiêu Minh Phụng, Đạt Long Vinh).
Chương trình thu hút đông đảo người xem ở phần trình diễn thời trang của hơn 40 người mẫu nhí; sự xuất hiện lần đầu tiên của 30 thí sinh Cuộc thi Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.
Trong đó, 30 bộ trang phục là 30 sắc thái cảm xúc, khiến người xem đi từ ngỡ ngàng, đến trầm trồ thán phục ý tưởng của các nhà thiết kế, cũng như khả năng trình diễn điêu luyện của những người đẹp Nam Bộ. Các bộ trang phục đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa vùng miền được thể hiện trong từng chi tiết của các trang phục: Sắc chàm, Mường dệt, Tỏi Lý Sơn, Họa sắc Khmer, Mỹ nghệ gáo dừa, Họa tranh thốt nốt, Huơng Đông Hồ…
Chị Nguyễn Tú Trân, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Xem chương trình ca nhạc, trình diễn thời trang “Điểm hẹn Tây Đô”, chị khá bất ngờ về quy mô hoành tráng và ý nghĩa sâu sắc của chương trình. Đơn cử như bộ trang phục “Huyền sử Âu Lạc”, được nhà thiết kế lấy cảm hứng từ Quốc mẫu Âu Cơ cùng truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên của người Việt. Trang phục được tạo hình và đính kết cầu kỳ, thể hiện tinh thần luôn hướng về nguồn cội, nhớ ơn tổ tiên của thế hệ trẻ. Hay như bộ trang phục “Hương Đông Hồ”, mô phỏng hình ảnh làng nghề làm tranh Đông Hồ ở xứ Kinh Bắc, gợi nên sự tự hào dân tộc về các giá trị truyền thống, tay nghề khéo léo của nghệ nhân Việt Nam; nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.