Clip người dân các phường ở Đồ Sơn thực hiện nghi lễ trình trâu, khoác áo cho trâu chọi:
Tại đình làng, các chủ trâu cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Sau khi lễ thần xong, trâu chọi được gọi là “Ông trâu” và được coi là biểu tượng của tâm linh, thể hiện niềm tin và ước vọng của người dân.
Lễ trình trâu là một trong những nghi lễ không thể thiếu tại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn. Việc đưa trâu đến trình Thành Hoàng, làng ngoài yếu tố tâm linh thì còn là hình thức để trâu làm quen với môi trường đông người, với tiếng trống, chiêng và mùi hương khói, tiếp xúc với màu sắc của cờ hội…
Sau khi được đưa từ nơi chăm nuôi đến đình, trâu được khoác trên mình chiếc áo đỏ và được người chăm trâu dắt vào phía chính điện. Kết thúc hồi trống lệnh, người chăm trâu sẽ đưa trâu quay một vòng như thể được nhìn về tứ phương chầu các thánh.
Phía trong đình, hương sư cùng chủ trâu và đại diện các thành viên trong dòng họ có trâu ngồi lễ thánh, cầu xin ngày lâm trận thắng lợi, mang lại niềm vui cho dòng họ cũng như đi biển bội thu tôm cá, mùa màng tốt tươi…
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tiếp tục được diễn ra vào ngày 4/9 (tức ngày 9/8 Âm lịch).
Sau 2 năm phải tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm nay được quận Đồ Sơn tổ chức trang nghiêm, long trọng với đầy đủ các nghi lễ, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của lễ hội. Đồng thời, thể hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ công lao của bậc tiên tổ, phù hộ cho con cháu, quê hương Đồ Sơn ngày càng giàu đẹp.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022 có 16 trâu tham gia chọi. Mỗi phường trên địa bàn được đăng ký 2 suất đấu. Bốn chủ trâu có trâu đạt giải Nhất, Nhì và đồng giải Ba năm 2019 mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất trâu.
Vào đêm 3/9 (tức 8/8 Âm lịch) diễn ra nghi thức lễ thần linh tại đền Nghè và sân vận động. Đây là nghi lễ quan trọng trước khi diễn ra phần hội của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn vào sáng ngày 4/9 (tức 9/8 Âm lịch) tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022, những nghi lễ trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như lễ thượng cờ, lễ rước nước, lễ hiến sinh, tế thần... thể hiện nét văn hóa đặc trưng của một lễ hội nơi miền cửa biển. Chính những điều này đã làm nên nét khác biệt giữa Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với các hội chọi trâu khác trên toàn quốc.
Lễ hội chọi trâu mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.
Ý nghĩa ban đầu của lễ hội chọi trâu là để tưởng nhớ công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, để cầu nguyện cho "nhân khang, vật thịnh", khẳng định tinh thần đoàn kết, duy trì ý thực cộng đồng.
Lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải. Trong quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Một ý nghĩa tốt đẹp khác nữa là dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người dân Đồ Sơn tin rằng nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn và tốt lành.
Theo các cụ cao niên ở Đồ Sơn, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn.
Diễn ra từ 1/8 (lễ thượng cờ) và kéo dài đến ngày 16/8, hội chọi trâu để cầu cho người dân bình an, sản xuất tốt. Theo nghi lễ truyền thống của Lễ hội chọi trâu, mùng 7/8 Âm lịch rước nước, mùng 8/8 tế thần ở các đình làng, mùng 9/8 đưa trâu vào sới chọi, mùng 10/8 hiến sinh, 16/8 tế thần là hết hội chọi trâu.