Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ rước nước, dâng nước đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó, biểu diễn văn hóa văn nghệ dân gian, thi làm bánh khẩu sli (một loại bánh đặc trưng ở Cao Bằng), thi làm hương, thi đấu các môn thể thao dân tộc (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy), trưng bày các gian hàng ẩm thực, văn hóa...
Theo ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Cao Bằng, Pác Bó không chỉ là khu di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là một thắng cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, non xanh nước biếc, thiên nhiên hùng vỹ. Nơi này cũng nằm trong vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO non nước Cao Bằng nên có giá trị rất lớn về phát triển du lịch ở nhiều loại hình: du lịch văn hóa, lịch sử, khám phá thiên nhiên thắng cảnh…
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, thời gian qua, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó luôn được tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục công trình như bến bãi đỗ xe, nhà trưng bày, đường giao thông nội vùng, hệ thống chiếu sáng, vườn hoa, cây cảnh… đáp ứng nhu cầu thăm quan du lịch của du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó lượng khách du lịch đến thăm Pác Bó không ngừng tăng lên. Trong năm 2018, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó đón gần 200 nghìn lượt khách thăm quan du lịch và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Lễ hội về nguồn Pác Bó lần thứ I năm 2019 có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng Việt Nam, gợi nhớ quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kiện Bác Hồ về nước qua đường mốc số 108 thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng mùa xuân 1941. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân địa phương khôi phục và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO non nước Cao Bằng, qua đó quảng bá phát triển kinh tế du lịch cho địa phương.