Đưa mỹ thuật Việt Nam đến gần công chúng hơn

Sau 2 tuần trưng bày tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015 đã khép lại với những niềm vui và cả những băn khoăn, trăn trở.

Không “tham” số lượng

Diễn ra từ 9 - 23/12, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 (trước đây có tên là Triển lãm mỹ thuật toàn quốc) là tổng kết của quá trình 5 năm sáng tạo của giới mỹ thuật trong nước.

Khách tham quan Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban Tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, năm nay BTC đã lựa chọn kỹ càng hơn, không “tham” về số lượng. Vì thế, so với những cuộc triển lãm trước, số tác phẩm tham dự nhiều hơn, nhưng số tác phẩm được trưng bày lại ít hơn nhiều. Từ hơn 4.000 tác phẩm tham dự, Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra hơn 400 tác phẩm trưng bày với công chúng. Con số này chỉ bằng một nửa so với triển lãm kỳ trước, nên việc trưng bày thưa, thoáng và đảm bảo thẩm mỹ hơn.

Năm nay, tất cả các loại hình nghệ thuật, từ video art, trình diễn, sắp đặt, body art, body painting… đều được BTC mời tham gia. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm thuộc nghệ thuật đương đại vẫn ít và chưa thực sự có tiếng nói riêng. Bản thân các nghệ sĩ cũng vẫn còn mặc cảm, e dè chưa mạnh dạn tham gia triển lãm, bởi các nghệ sỹ vẫn có quan niệm đây là một sân chơi truyền thống.

Trong số các tác phẩm được lựa chọn trưng bày trong triển lãm lần này, ngoài các đề tài quen thuộc như chiến tranh cách mạng, tình yêu, gia đình... đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống. Chẳng hạn các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo như “Lên đồng” của Trần Quốc Giang, “Đức tin” của Võ Việt Dũng. Bức tranh “Tuổi teen” của Phạm Hồng Như lại phản ánh việc công nghệ đã làm cho con người trở nên thờ ơ với cuộc sống… Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội nóng như vấn đề biển đảo, tham nhũng, những mặt trái trong xã hội cũng được nghệ sỹ phản ảnh thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Hội đồng nghệ thuật đã chọn và trao giải cho tác phẩm xuất sắc. Giải thưởng cao nhất - Huy chương Vàng - đã được trao cho tác phẩm “Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng”, chất liệu đá Granite của tác giả Đinh Gia Thắng (Đà Nẵng) và tác phẩm “A di đà phật”, chất liệu khắc gỗ của tác giả Nguyễn Khắc Hân (Bắc Ninh).

PGS. NGND, họa sỹ Lê Anh Vân, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành hội họa, đồ họa, video art đánh giá, chất lượng các tác phẩm dự thi khá đồng đều cũng phần nào phản ánh được thực tế là nghệ sĩ cũng rất cố gắng phấn đấu vượt lên chính mình, cũng chủ động giao lưu quốc tế, lao động hết mình để đưa ra được những tác phẩm phản ánh đời sống xã hội cũng như cá tính của nhân vật, cá tính của nghệ sĩ. Còn theo ông Vi Kiến Thành, thì qua các tác phẩm mỹ thuật tham dự cuộc thi lần này, có thể nhận thấy, trong khi hội họa tiếp tục lúng túng để tìm ra cái mới, nghệ thuật đương đại chững lại đang tìm hướng khai mở những sáng tạo mới… thì nghệ thuật tranh đồ họa của Việt Nam đã có những bứt phá trong ngôn ngữ sáng tạo và kỹ thuật in ấn, còn điêu khắc đã hướng nhiều hơn đến những giá trị thẩm mỹ phục vụ đời sống xã hội…

Vẫn đìu hiu

Là một sân chơi lớn của mỹ thuật Việt Nam, là tấm gương phản chiếu khá trung thực đời sống mỹ thuật Việt Nam hiện nay, song, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 cũng không thu hút được đông đảo công chúng đến tham quan. Sau sự đông đúc của ngày khai mạc, trong những ngày diễn ra trưng bày, số lượng khách đến tham quan triển lãm không nhiều. Những người đến triển lãm đa phần là các nghệ sỹ, nhà phê bình, người trong nghề… Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng đìu hiu này, một phần do cách thức tổ chức trưng bày các tác phẩm chưa chuyên nghiệp. Có bức tranh đèn rọi chỉ sáng nửa trên, còn nửa dưới vẫn tối. Có bức tranh hay khối điêu khắc lại được bày khuất sau chậu cây cảnh…

Một nguyên nhân khác nữa được nhiều người đánh giá, là mỹ thuật Việt Nam cũng như thị trường mỹ thuật Việt Nam chưa có sự ủng hộ của xã hội. Về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành cho rằng, xét về nội lực, lực lượng nghệ sỹ, sức sáng tạo, tài năng của đội ngũ họa sỹ Việt Nam đầy triển vọng, nhưng chúng ta gặp một số vấn đề khó khăn, mà để giải quyết được những vấn đề này không đơn giản. Khó khăn khi chưa có được sự ủng hộ và tạo điều kiện phát triển của xã hội, trong khi sự quan tâm và tạo điều kiện của Nhà nước cũng còn thiếu và yếu. Khó khăn thứ hai là chúng ta chưa có được thị trường mỹ thuật ở trong nước. Theo ông Vi Kiến Thành, đây là 2 vấn đề khó khăn lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện nay, mà nếu muốn gỡ, ta chỉ có thể gỡ từng nút thắt một.

Hoạ sỹ Đỗ Đức Khải cũng cho rằng, thị trường mỹ thuật Việt Nam nói chung, thị trường tranh Việt Nam nói riêng dù rẻ hơn rất nhiều so với quốc tế, nhưng vẫn rất nhỏ bé, chỉ có một số đại gia, một số người có điều kiện kinh tế, một số bạn bè có thể trao đổi… các tác phẩm của nhau, nhưng số đó không nhiều. Theo họa sỹ Đỗ Đức Khải, chúng ta cần phải làm rất nhiều việc để đưa mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng, như tổ chức trưng bày một cách chuyên nghiệp hơn, quảng bá tác phẩm nhiều hơn trên nhiều phương tiện truyền thông, mời những đối tượng khách mời tiềm năng, là những nhà sưu tập tranh, những người có điều kiện mua tranh, tổ chức gặp gỡ giao lưu giữa nghệ sỹ với công chúng, để nghệ sỹ và công chúng xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và để tác phẩm nghệ thuật sẽ dễ dàng đến với công chúng…

Phương Hà
Học mỹ thuật tại bảo tàng
Học mỹ thuật tại bảo tàng

Thay cho những giờ học trên lớp với giấy, bút màu là giờ học với “giáo cụ trực quan” là những bức tranh của các danh họa, những tác phẩm gốm đã tồn tại theo cả chiều dài lịch sử dân tộc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN