Làm thế nào để lễ hội ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách, để mỗi mùa lễ hội, các cơ quan quản lý không phải đau đầu, và du khách đi lễ đầu năm cũng được tận hưởng cảm giác thảnh thơi, nhẹ nhàng… là chuyện không đơn giản. Các cụ xưa có câu “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, nghĩa là tham dự lễ hội thì không tránh khỏi cảnh chen nhau, xô đẩy. Nhưng tả tơi đến độ bạo lực như “hỗn chiến” ở đền Gióng, tranh cướp bạo lực đến đổ máu, ngất xỉu như ở hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), hay tranh cướp đến lộc ở Đền Trần (Nam Định)… thì đã vượt qua ngưỡng “tả tơi” của việc đi chơi hội, mà trở thành “vấn nạn” mỗi khi mùa lễ hội đến.
Lý giải về những biến tướng của lễ hội, về cách hành xử thiếu văn hóa cũng như những hành vi bạo lực xuất hiện ở nhiều lễ hội hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, trong một thời gian dài, do bị cấm đoán, nên sự hiểu biết về tín ngưỡng, về lễ hội của người dân bị đứt đoạn, nhiều người đi lễ hội nhưng không hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội, không có tri thức về đời sống tâm linh nên đã có những hành xử “lệch chuẩn”. Lấy ví dụ từ lễ khai Ấn đền Trần (Nam Định).
Quản lý tốt, nên hội xuân Yên Tử luôn trật tự, nề nếp. Ảnh: Lê Phú
|
Theo giải thích của các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ khai Ấn đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng cũng như việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương, việc phát ấn ban đầu mang ý nghĩa “tích phúc vô cương” (cầu mong cho sự phúc đức mãi mãi), nhưng sau này lại được “đồn thổi” đó là ấn tín của các vua Trần, do đó có một thông điệp “ngầm” rằng đó là ấn phong quan tiến chức, khiến cho người người đổ xô đến, lượng người càng đông, sự quản lý càng khó khăn, gây ra những hệ lụy như sau này.
Bên cạnh đó, theo quan niệm của nhiều người dân Việt Nam, đầu năm phải đi lễ đền, chùa để cầu may, nên hễ có điều kiện là mọi người lại thu xếp công việc, tranh thủ đi lễ. Chính vì vậy, từ sau Tết Nguyên đán, ở hầu hết các đền, chùa nổi tiếng đều đông nghịt người. Ai đến chùa cũng lâm râm khấn vái, xin Phật phù hộ độ trì cho buôn may bán đắt, cho thăng quan tiến chức, cho giàu có phát tài… Nhưng trong số hàng vạn người đến lễ đền ấy, rất nhiều người không biết đền nào, thờ ai… không biết chỗ nào đặt lễ mặn, chỗ nào đặt lễ chay, thậm chí nhiều người đi lễ đền, chùa nhưng mặc váy ngắn, quần soóc… không phù hợp và vô cùng phản cảm.
Cùng với quan niệm, ứng xử lệch lạc do hiểu sai, hiểu chưa đúng về ý nghĩa lễ hội, tình trạng chen lấn, xô đẩy, khấn hộ, đốt vàng mã tràn lan... cũng là những vấn nạn ở nhiều lễ hội đầu xuân. Rồi các tệ nạn khác như cờ bạc, trộm cắp, "chặt chém", xả rác bừa bãi... vẫn diễn ra ở nhiều lễ hội. Tình trạng tha hóa, biến tướng ở nhiều lễ hội phần lớn do ý thức kém và sự thiếu hiểu biết của người tham gia, dẫn đến những hành xử sai lệch. Nhưng BTC, ban quản lý cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm.
Lấy ví dụ, cũng là lễ hội đầu xuân, nhưng ở Yên Tử (Quảng Ninh), người đi lễ trật tự, trang nghiêm, không có cảnh chèo kéo, chặt chém du khách… nhưng tại sao ở đền Trần (Nam Định) thì vẫn chen lấn, cướp lộc, khách đến hội Lim (Bắc Ninh) vẫn chịu cảnh chặt chém… Những năm trước, tình trạng khấn thuê, lễ mướn ở đền Bà Chúa Kho rất nhiều, nhưng năm nay, với sự vào cuộc mạnh mẽ của BTC, Ban quản lý, nên tình trạng này đã giảm đáng kể, rồi tình trạng đổi tiền lẻ, chèo kéo du khách ở chùa Hương năm nay cũng đã giảm nhiều do sự vào cuộc quyết liệt của BTC… Điều này cho thấy, nếu như có chế tài, có quy định phù hợp và có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các ban, ngành liên quan, chắc chắn những vấn nạn làm xấu hình ảnh lễ hội sẽ được khắc phục, hạn chế.
Để tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội, ngay từ đầu mùa lễ hội 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số cơ quan chức năng khác đã tham mưu cho Ban Bí thư ra Chỉ thị 41 CT-TW và Thủ tướng Chính phủ ra Công điện 229 CĐ-TTg về tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Trong 2 văn bản này đều nêu rõ: Cần giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nguồn lực tổ chức lễ hội.
Các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội; phê bình và xử lí nghiêm đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương không tham gia lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công... Bên cạnh đó, các địa phương nơi tổ chức lễ hội cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương... Bộ VHTTDL cũng khẳng định, sẽ nỗ lực thực hiện nghiêm những văn bản trên, không để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, để lễ hội ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách.
Phương Lan