Được, mất trong liên kết sản xuất phim

Điện ảnh Việt Nam bấy lâu luôn ý thức tới việc phải bước ra khỏi “vùng trũng” để khẳng định vị thế và những ý kiến chia sẻ tại hội thảo "Hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước" (trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3) vừa diễn ra đã gợi mở nhiều vấn đề xung quanh sự hợp tác (cả về sản xuất, phát hành, phổ biến phim...) có thể mang lại cơ hội cho điện ảnh nước nhà.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế một cách chủ động và sâu rộng hiện nay, với lĩnh vực nghệ thuật, thì điện ảnh có tính hội nhập mạnh mẽ hơn cả. Ngoài các liên hoan phim quốc tế, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động như tổ chức các tuần phim Việt Nam ở nước ngoài, hợp tác sản xuất phim, trao đổi các tác phẩm điện ảnh (cả phim nhựa và phim truyền hình), tham gia thị trường phim quốc tế, liên kết với nước ngoài đầu tư nâng cấp hệ thống rạp chiếu phim, khuyến khích các nhà làm phim Việt kiều về nước hành nghề... Những hoạt động nêu trên, đã tạo điều kiện cho các nhà làm phim trong nước giao lưu, học hỏi, cọ xát với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới.

Phim “Thương nhớ đồng quê” - sản phẩm hợp tác với hãng truyền hình NHK Nhật Bản giành được nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim quốc tế.


Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ phim Việt Nam được chiếu ở rạp so với phim nhập khẩu, hoặc phim liên doanh với nước ngoài chiếm chưa đầy 20%. Sự mong chờ xem những phim điện ảnh Việt hấp dẫn luôn là nỗi khát khao có thật của công chúng yêu điện ảnh. Thế nhưng số lượng phim ra đời đã ít, chất lượng các phim ra rạp có phần hẫng hụt, chưa đáp ứng được mong mỏi của người xem. Do vậy, vấn đề liên doanh với nước ngoài trong sản xuất và phân phối phim đang là một đòi hỏi cần được đáp ứng. Đây cũng là cách nhằm lôi kéo khán giả trở lại rạp trong bối cảnh bùng nổ các loại hình giải trí như hiện nay.

Không phải bây giờ, mà từ đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, đã có một số bộ phim được sản xuất thông qua sự hợp tác giữa các hãng phim trong nước với các hãng phim nước ngoài và đã có thành công nhất định, như "Điện Biên Phủ", "Người tình", "Đông Dương"... Khi được công chiếu, hiệu ứng khán giả và chất lượng chuyên môn của cả ba bộ phim nói trên đã tạo tiền đề để các nhà làm phim nước ngoài tìm đến Việt Nam nhiều hơn. Khá nhiều hình thức hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế đã được hình thành ở thời điểm này, trong đó, phổ biến nhất là các hãng phim trong nước cung cấp dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài thực hiện những bộ phim về Việt Nam, hoặc những cảnh quay có liên quan đến bối cảnh, con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phim Việt Nam có thể tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ từ nước ngoài. Một hình thức liên kết được thực hiện khá phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây, là các nhà làm phim trong nước đầu tư 100% vốn và mời các nhà làm phim nước ngoài cùng tham gia. Bên cạnh đó, hình thức cả hai bên cùng bỏ vốn và hợp tác làm phim cũng thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim cả trong nước và quốc tế. Theo hình thức này, đạo diễn – Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh từng có 5 phim hợp tác với các nhà làm phim quốc tế, tiêu biểu là phim "Thương nhớ đồng quê" (liên kết với Đài truyền hình NHK Nhật Bản và mời 5 đạo diễn của Ấn Độ, Thái Lan, Mông Cổ, Iran và Việt Nam tham gia đạo diễn).

Thông qua các phim liên kết, phần lớn các nhà làm phim Việt Nam thừa nhận rằng, trình độ và tính chuyên nghiệp của các nhà làm phim nước ngoài hơn hẳn các nhà làm phim “nội”. Có thể thấy rõ sự chỉn chu và tính quyết đoán của các nhà làm phim nước ngoài trong việc thực hiện các ý tưởng sáng tạo của tác phẩm điện ảnh. Tính chuyên nghiệp cao thể hiện ở sự phân công nhiệm vụ của các thành viên đoàn làm phim, cách khuyến khích sự sáng tạo cá nhân để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng phải kể đến, nhờ phương tiện, thiết bị làm phim hiện đại của nước ngoài hỗ trợ nhiều cho các nhà làm phim Việt khi tham gia hoạt động hợp tác sản xuất phim. Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, thông qua các quỹ hỗ trợ điện ảnh của nước ngoài, nhà làm phim trẻ trong nước có thêm cơ hội hiện thực hóa ý tưởng của mình, bớt đi áp lực về "lỗ - lãi" để toàn tâm cho ý tưởng sáng tạo.

Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế trong liên kết làm phim với nước ngoài, cụ thể, yếu tố nội lực chưa được các nhà làm phim trong nước phát huy và có phần bị phụ thuộc; nói cách khác, quyền bình đẳng của các nhà làm phim trong nước có phần bị xem nhẹ. Có ý kiến cho rằng, các nhà làm phim Việt Nam phải tăng tính chủ động cũng như chính kiến của mình trong các công việc chuyên môn. Nếu giải quyết được bất cập này, thì cơ hội dành cho các nhà làm phim Việt Nam chắc chắn sẽ rộng mở hơn, phim Việt Nam có thêm cơ hội ra thế giới.

Một vấn đề khác cũng được nhiều nhà điện ảnh trong nước cảnh báo, đó là các nhà làm phim trẻ đừng quá ảo tưởng vào sự liên kết, hỗ trợ từ bên ngoài, mà nên bắt đầu bằng sự nỗ lực của bản thân.

Yến Nhi

Cơ hội tìm hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam
Cơ hội tìm hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam

LHP quốc tế Hà Nội năm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp hơn, từ các khâu gửi thông báo mời các quốc gia tham dự đến việc chọn người dẫn chương trình - MC, chọn phim, lựa chọn điểm chiếu phim.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN