Nhọc nhằn tìm lại dấu xưaTheo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội có khoảng trên 100 điệu múa cổ, tồn tại rải rác khắp các địa phương trong và ngoại thành, thuộc ba hình thái là múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, đến nay, những điệu múa còn được biểu diễn chỉ còn khoảng 1/3. Không đành lòng nhìn những di sản quý giá của cha ông bị mai một, 15 năm qua, các thành viên Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội đã xây dựng đề án sưu tầm, phục dựng múa cổ Thăng Long - Hà Nội, từng bước tìm kiếm, sưu tầm, hệ thống lại các điệu múa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt… trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Múa Giảo Long làng Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Tất Sơn
|
Theo ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, trong quá trình tìm kiếm, tra cứu tài liệu để tìm các điệu múa cổ, các thành viên trong Hội đã phải lặn lội về từng miền quê, tìm kiếm những nghệ nhân, nhiều khi phải ăn, nghỉ nhiều ngày tại nhà các nghệ nhân để nghe các cụ kể lại, diễn lại những điệu múa cổ, rồi nhờ bà con trong làng múa cho xem… Gian nan là thế, song cũng rất mừng là, trong quá trình tìm kiếm, sưu tầm phục hồi múa cổ, Hội đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lớp nghệ nhân già và người dân. Ngày càng nhiều điệu múa cổ được ghi chép lại, phục dựng lại.
Ông Nguyễn Văn Bích, cho biết: Đến nay, Hội đã tìm được trên 50 điệu múa cổ Hà Nội, trong đó, sưu tầm, phục dựng và giới thiệu được trên 30 điệu múa cổ đến với công chúng. Tổ chức được 3 cuộc liên hoan múa cổ vào các năm 2007, 2008 và 2009. Nhiều điệu múa cổ được phát hiện có giá trị văn hóa cao như múa tứ linh làng Lỗ Khê, múa bài bông Phú Nhiêu, múa giải oan thích kết, múa vật; múa chạy cờ làng Triều Khúc, múa rắn lột làng Trường Lâm (Long Biên), múa giảo long (Long Biên), múa gậy, múa chạy chữ làng Chử Xá (Gia Lâm)…
Điều khiến ông Nguyễn Văn Bích cũng như những người tham gia dự án lo lắng nhất bây giờ là các nghệ nhân, những người biết về múa cổ ngày càng thưa thớt.
Nhóm các nhà nghiên cứu, sưu tầm đều là những người cao tuổi, nhiều nhà nghiên cứu đã ra đi khi công trình còn dang dở như nghệ sỹ Nguyễn Khắc Dân, GS.TSKH Lâm Tô Lộc. Các nghệ nhân dân gian còn nhớ và biết về các điệu múa cổ đa số đều ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều cụ đã ra đi khi công việc còn dang dở, để lại bao nuối tiếc cho những người làm công tác sưu tầm như cụ Nguyễn Thị Ga 94 tuổi và ông Lương Đình Nghi 85 tuổi ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, Phú Xuyên, hai cụ có công truyền dạy điệu múa Bài Bông; cụ Bùi Văn Lục, múa "Trống Bồng" ở làng Triều Khúc, nghệ nhân Triệu Văn Đăng, người giỏi múa rồng và là ông tổ của múa côn đều đã qua đời… Ông Hoàng Kỷ, người duy nhất còn lại của Giáo phường ca trù Lỗ Khê, người tham gia phục dựng điệu múa Tiên – giáng mừng, múa bỏ bộ, múa tứ linh đã từ trần, bỏ lại lời hứa sẽ giúp Hội múa Hà Nội phục dựng điệu múa Bài Bông cổ nhất theo cách hiểu và nhớ của cụ… Những nghệ nhân khác thì hầu như đã trên 80 tuổi. Như nghệ nhân Hoàng Ngọc Dậu, người sắm vai tướng triều đình đi tiễu trừ thủy quái trên dòng sông Thiên Đức trong điệu múa Giảo Long năm nay đã 85 tuổi. Cụ Đặng Văn Nhai, cụ Trần Văn Minh, người biết múa gậy ở Chử Xá năm nay người 80 tuổi, người thì 86 tuổi…
Khó mấy vẫn phải bảo tồnÔng Nguyễn Văn Bích chia sẻ, một trong những khó khăn với công tác bảo tồn những điệu múa cổ này là kinh phí quá ít. Theo ông Nguyễn Văn Bích, nhận thấy việc lưu giữ, bảo tồn những điệu múa cổ là cần thiết, Hội đã đề nghị xin hỗ trợ kinh phí từ năm 2009, nhưng phải đến năm 2014 (5 năm sau), mới được phê duyệt.
“Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội đã chi ngân sách gửi đến các làng, xã, những nơi có điệu múa cổ còn lưu giữ lại được để hỗ trợ xây dựng phòng truyền thống của xã, lưu lại những băng, đĩa ghi âm các điệu múa, các ghi chép, những bức ảnh, những bộ quần áo, trang phục biểu diễn… để bảo tồn tại địa phương.
Hội cũng đã xoay sở để ghi hình và lưu giữ các điệu múa cổ trên đĩa DVD, bên cạnh đó nhanh chóng hoàn thiện và xuất bản cuốn sách về nghệ thuật múa cổ Thăng Long - Hà Nội. Những điệu múa cổ cũng được biểu diễn trong các liên hoan. Hội đã ghi hình các điệu múa cổ trong chính không gian thực hành của nó, tại đình, chùa, trong hội làng… Hiện nay, Hội mới lưu giữ được 9 điệu múa cổ, trong đó có 2 điệu múa tâm linh là múa lục cúng và múa giải oan tích kết, múa làng Phù Đổng, làng Lệ Mật, múa rắn lột Trường Lâm, múa chạy cờ Triều Khúc…
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát và ghi tên thêm những điệu múa cổ của người Hà Nội vào danh mục như: múa hội “Dô” (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), múa “Rồng lửa” (hội Đống Đa, Khương Thượng), múa “Phượng” (hội chùa Thánh Chúa, Cầu Giấy), múa “Gậy” (hội Bô Đầu, Thường Tín, múa “Tứ linh” (hội Xuân Đỉnh, Tây Hồ)... Đồng thời tiến hành xây dựng đĩa hình giới thiệu các điệu múa cổ truyền đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có phụ đề tiếng Anh để giới thiệu, quảng bá với khán giả trong và ngoài nước.
Trong suốt quá trình sưu tầm và phục hồi múa cổ, Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội cũng nhận thấy việc giới thiệu cho các thế hệ trẻ hiểu và yêu múa cổ là cần thiết, nên vẫn động viên các nghệ nhân, các làng, xã quan tâm, chú trọng việc truyền dạy cho các lớp trẻ. Một số nơi như Đôgn Anh, Triều Khúc, các nghệ nhân đã tự mở lớp truyền dạy cho con cháu.
“Chúng tôi làm việc này không phải vì điều gì to tát, mà chỉ cảm thấy ‘nếu không làm thì có lỗi với cha ông và cả thế hệ mai sau’. Chúng tôi mong muốn, sau khi cuốn sách và một số đĩa DVD về múa cổ ra đời, có thể “đánh động” được phần nào tình yêu của những người Hà Nội, nhất là các thế hệ trẻ với di sản quý giá của cha ông. Đồng thời, để các cấp, các ngành liên quan quan tâm đến việc đầu tư công sức, tiền của vào việc gìn giữ vốn văn hóa của mảnh đất Thăng Long, phát huy giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội đương đại - ông Nguyễn Văn Bích mong mỏi.