Gìn giữ nghệ thuật ca trù Thanh Tương

Gắn liền với xứ sở của chùa Dâu, chùa Bút Tháp và thành cổ Luy Lâu, trung tâm Phật giáo của quốc gia phong kiến Đại Việt xưa, làng Thanh Tương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề hát ca trù. Cùng với hoạt động sản xuất nông nghiệp, hát ca trù đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân trong làng.


Câu lạc bộ ca trù Thanh Tương. thuanthanh.gov.vn



Ông Trần Bá Khúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Khương cho biết: Nghề hát ca trù ở đây đã xuất hiện hàng nghìn năm, được khôi phục và lưu vào sử sách dưới triều đại nhà Lê. Lúc đó, ca nương Nguyễn Thị Hoa, thuộc họ Nguyễn Trọng trong thôn đã có công truyền dạy và hồi sinh làng nghề ca trù, được người dân nơi đây đúc tượng thờ trong dòng họ và được tôn là tổ nghề, cùng với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đi hát đã dần trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân trong làng.

Thời đó, Thanh Tương đã từng xuất hiện hàng trăm ca nương, tay trống, kép đàn đi biểu diễn khắp nơi, chủ yếu phục vụ các quan huyện, chánh tổng, hát đình, hát hội... Sau năm 1945, đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, loạn lạc, nhà thờ, đình chùa, sắc phong bị giặc đốt phá, nghề hát đứt gánh, ca trù chỉ còn lại trong ký ức người dân. Tuy nhiên với quyết tâm khôi phục truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông, người dân trong vùng đang nỗ lực hết mình để bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của loại hình nghệ thuật này.

Ông Nguyễn Văn Tấc, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Thanh Tương cho biết: “Mặc dù không biết hát, nhưng do mến mộ cái hay, tinh tế của ca trù, tôi cùng ông Nguyễn Trọng Liễn, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Trọng, đi khắp nơi tìm hiểu, sưu tầm ca trù của quê hương. Năm 2009, sau khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, được cả xã hội tôn vinh, chúng tôi đã tìm đến từng nhà nghệ nhân, thông báo khắp nơi trong vùng, tập hợp những người yêu thích ca trù cùng tập luyện và lưu giữ loại hình nghệ thuật này”.


Đầu năm 2012, câu lạc bộ ca trù Thanh Tương được thành lập. Thời điểm đó, câu lạc bộ chỉ có 8 thành viên, cơ sở vật chất thiếu thốn, mọi người tự nguyện đóng góp cây phách, trống chầu, đàn cho câu lạc bộ hoạt động. Đến nay, sau hơn 2 năm, số thành viên câu lạc bộ đã lên đến 15 người, trong đó cao tuổi nhất có cụ Nguyễn Thị Dây (sinh năm 1927) và nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp (sinh năm 1929) cùng ở làng Thanh Tương, đã gắn bó cả cuộc đời với nghề hát, đồng thời cũng là thầy dạy chính.


Có mặt trong một buổi sinh hoạt ca trù tại Thanh Tương, mới thấy hết lòng say mê nghệ thuật truyền thống của người dân nơi đây. Cứ đến 19 giờ 30 phút mỗi ngày, các thành viên trong câu lạc bộ cùng đông đảo những người mến mộ ca trù lại tập trung về đình làng để được đắm chìm trong những câu hát ả đào, khi thì du dương, ủy mị, khi thì đắm say lòng người. Sau mỗi câu hát, nhịp phách của nghệ nhân già Nguyễn Thị Thiệp, các ca nương khác liền tiếp lời hát theo từng giọng cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn của kép đàn Nguyễn Trọng Thỉnh (sinh năm 1950) ở thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, ông Nguyễn Quốc Đoạt (sinh năm 1969) cùng hai tay trống chầu Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1963) và Ngô Thế Hưởng (sinh năm 1949) đều là người trong làng.


Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Cùng với tâm huyết của các nghệ nhân, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013 - 2020, với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng. Theo đó, năm 2014, tiến hành hỗ trợ các lớp truyền dạy ca trù, mua sắm các bộ nhạc cụ dân tộc, âm ly loa máy, sưu tầm, phục dựng các hình thức hát ca trù với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng. Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ rà soát, xét tặng danh hiệu, có chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân ca trù.


Thanh Thương

Nỗ lực bảo tồn ca trù
Nỗ lực bảo tồn ca trù

Sau 4 năm được vinh danh, ca trù lại rơi vào tình trạng thiếu cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức dẫn đến việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN