Một giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc tới như vậy, một biểu tượng Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích và thừa nhận tới như vậy; nếu không phát huy được những giá trị của nó để phát triển du lịch, xem ra cũng thật uổng phí.
Chính bởi vậy, trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội 2016 vừa qua, APT Travel đã quyết định giới thiệu đến du khách quốc tế chương trình du lịch hoàn toàn mới tại Việt Nam "Tour áo dài Hà Nội", bắt đầu khởi hành từ ngày 1/11/2016. Theo đó, khách du lịch tham gia City tour tại APT Travel sẽ được thử và mặc áo dài trong suốt hành trình tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, dạo bộ phố cổ tìm hiều văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Và không chỉ là APT Travel; ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch TransViet, cũng đã có một nghiên cứu rất sâu, cùng những “hiến kế” đầy chi tiết về việc phát huy giá trị của áo dài - trở thành một điểm hấp dẫn vô cùng độc đáo và riêng có của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định: “Chúng ta có thể biến không gian phố đi bộ ở Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ ở các thành phố du lịch ở Việt Nam thành không gian tràn ngập áo dài được mặc bởi học sinh, sinh viên, người dân, cũng như du khách trong và ngoài nước. Khi đó, áo dài sẽ là điểm nhấn, tô điểm cho không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. Khách du lịch sẽ thích thú chụp ảnh và chia sẻ trên trang cá nhân, mạng xã hội của họ. Đó sẽ là cách quảng bá du lịch miễn phí mà lại hiệu quả cho Việt Nam. Bên cạnh đó, việc mặc áo dài cũng giúp khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tràng An văn minh thanh lịch nói riêng và người dân Việt Nam nói chung”.
Tour áo dài sẽ được ngành du lịch Hà Nội khởi động trong thời gian tới. |
Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch”, trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội 2016 vừa qua, NSND Trà Giang cũng chia sẻ: Năm 1963, khi bà sang Moskva (Nga) dự Liên hoan phim quốc tế cùng đoàn làm phim “Chị Tư Hậu”, nhiều phóng viên nước ngoài hào hứng chụp ảnh bà đang dạo phố cùng tà áo dài Việt Nam. Khi đó, nhiều người mới biết đến nền điện ảnh Việt Nam, biết đến trang phục truyền thống Việt Nam. Điều đó khiến bà rất tự hào và ấn tượng đó đã theo bà suốt hơn 50 năm qua.
Những ấp ủ với áo dài của riêng một cá nhân, của riêng từng doanh nghiệp giờ đây đã có “đất” để phát triển, có cơ hội để thành hiện thực trong một thời gian không xa nữa. Sở Du lịch Hà Nội mới đây đã quyết định xây dựng chiếc áo dài thành sản phẩm du lịch mới, phục vụ khách du lịch và quan trọng hơn là quảng bá văn hóa Hà Nội đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tà áo dài không chỉ là biểu tượng tinh thần cốt lõi, mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, để qua đó thấy được vẻ đẹp của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà thiết kế thời trang và các doanh nghiệp du lịch và những người yêu Hà Nội. Bởi trước hết, đây được coi là điểm nhấn để xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời, xây dựng Hà Nội thành kinh đô thời trang không chỉ trong nước mà cả thế giới”.
Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội đã chọn một số điểm trưng bày của các nhà thiết kế thời trang làm điểm đến cho du khách, khuyến khích các công ty du lịch đưa khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Từ ý tưởng thành hiện thực, sẽ là một hành trình với nhiều việc phải làm, bao gồm cả việc vận động các doanh nghiệp, các nghệ nhân áo dài tham gia; tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa của việc này và làm theo. Tuy nhiên, với truyền thống của Hà Nội xưa, với con phố Cầu Gỗ từng là phố của những cửa hàng áo dài đều có chung chữ “ Trạch” bởi đều là của dân làng Trạch Xá lên làm nghề; với cả một làng áo dài Trạch Xá tại Ứng Hòa (Hà Nội); không có lý do gì mà chúng ta không thể hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Hà Nội thành trung tâm thời trang, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.