Nhà thờ gỗ ở thành phố Kon Tum là nhà thờ gỗ rất hiếm ở Việt Nam, xây dựng từ năm 1913, hoàn thành năm 1918. Nhà thờ được làm bằng gỗ cà chít, trần và tường bằng đất trộn rơm, mang nét kiến trúc Roma kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na.
Nhà thờ có giáo đường, nhà tiếp khách, cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc... trên một khuôn viên rộng. Khu hoa viên của nhà thờ có tượng Đức Mẹ được làm từ một thân gỗ nguyên sơ. Nhiều bức tượng khác được làm bằng gốc và rễ cây rừng. Những người thợ tài hoa từ Bình Định, Quảng Ngãi đã xây dựng nên ngôi nhà thờ trên 100 tuổi bền vững với thời gian.
Chúng tôi tham dự và ghi lại hình ảnh một buổi giảng đạo với rất đông đồng bào Ba Na, cả người lớn và trẻ em. Không khí chuẩn bị đón Giáng sinh rất đặc biệt tại nhà thờ chánh toà của giáo phận Kon Tum này.
Nhà thờ buôn Pleichuet ở thành phố Pleiku lại có nét độc đáo riêng. Nhà thờ kiến trúc theo kiểu nhà rông của người Jrai, lớn gấp 4-5 lần một ngôi nhà rông thông thường; có mái nhọn xuôi, nóc bằng tôn màu đỏ.
Nhà thờ được dựng trên 8 cột cây lớn; các vì kèo được trang trí những hoạ tiết văn hoá Tây Nguyên. Nhà tạm của nhà thờ mang hình chiếc gùi của người Jrai. Lòng nhà thờ rộng, sàn lát gỗ, không ghế ngồi, không bàn quì. Nổi bật thờ ở giữa là bức tượng Chúa trên thánh giá được khắc bằng gỗ rất đẹp.
Khi chúng tôi đến thăm, bà con giáo dân đang trang trí nhà thờ chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Một không gian rộng và đẹp, cách bài trí công phu, quanh cảnh nhiều màu sắc của một lễ hội lớn không chỉ với các giáo dân mà còn là của chung những người dân trong vùng.