“Hàn gắn” diện mạo kiến trúc Việt Nam

Không có gì ngạc nhiên khi diện mạo kiến trúc của chúng ta hiện nay, cả ở nông thôn và thành thị, đều nhếch nhác, khi tư duy xây nhà của nhiều người là tìm đến… thầy phong thủy để xem hướng; muốn chọn thiết kế cho ngôi nhà thì… ra đường xem kiểu nhà nào phổ biến nhất, rồi gọi thợ đến xây y chang.

Một mớ hỗn độn


Kiến trúc đô thị Việt Nam hiện nay không giống ai, đó là khẳng định của KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, trong nhiều cuộc hội thảo, họp báo về kiến trúc. Và đây cũng là suy nghĩ của hầu hết các KTS, dù lâu năm, hay mới vào nghề.

 

Việc “cứu” kiến trúc nông thôn phải bắt đầu từ chính kiến trúc đô thị.
Ảnh: Ashui


Chia sẻ với phóng viên, KTS Trần Hữu Thọ, KTS của Việt Décor (Hà Nội), thành viên CLB Kiến trúc A+G, khẳng định: Chỉ có thể dùng một từ “nhếch nhác” cho kiến trúc đô thị Việt Nam. Và với kiến trúc nông thôn thì là… “nhếch nhác hơn”! Cùng với sự phát triển của xã hội, cùng với sự giàu lên của một số người, nhu cầu xây dựng nhà ở thời gian qua cũng trở nên “phong phú” hơn, nhưng là phong phú theo hướng “tiêu cực”, nghĩa là mạnh ai nấy làm, mạnh “thị hiếu nào thì có thiết kế ấy”, khiến cho kiến trúc đô thị của chúng ta bị băm nát, nham nhở. KTS Trần Hữu Thọ tổng kết ra một số “mô hình” thiết kế hiện nay của đô thị: Nông thôn hóa, quốc tế hóa, rồi thậm chí chi tiết hơn là Ả rập hóa, châu Mỹ hóa…


Còn ở nông thôn, mô hình là “thành thị hóa”, nghĩa là bệ nguyên xi những sự nhếch nhác của thành thị về, nhưng được “nhếch nhác” thêm bởi môi trường, điều kiện vật chất không bằng. “Thật đau lòng khi chứng kiến sự mất đi của kiến trúc nông thôn lâu nay. Con người Việt Nam hàng trăm năm qua đã sống trong một môi trường hết sức hòa thuận với thiên nhiên, nhưng với quá trình đô thị hóa, thì “đô thị” đã chảy ngược về nông thôn, khiến cho nông thôn cũng bị “băm nát” như thành thị. Xưa nhà cửa ở nông thôn rất hài hòa, cây cối xanh tốt, có hệ thống vườn, tược, sân, ao… giờ tất cả đều xây kín nhà, cũng chia lô, rồi bê tông hóa. Xưa nhà đều xây theo hướng nam hoặc đông nam để đón gió, tạo sự mát mẻ, thoáng đãng, giờ tất cả đều “mặt đường hóa”, thật sự đáng tiếc vô cùng”, KTS Trần Hữu Thọ chia sẻ.


Cùng chung suy nghĩ này, KTS Nguyễn Lê Tùng, Công ty CP thương mại xây dựng Phương Bắc (Hà Nội), khẳng định: Bộ mặt kiến trúc nông thôn đã bị thay đổi nhiều, theo xu thế tiêu cực hơn vì đang dần mất đi sự hài hòa với thiên nhiên, môi trường; vốn là điều mà kiến trúc cần hướng tới. Tuy nhiên, cũng khó trách người dân nông thôn được, bởi thực tế đa phần người dân ở nông thôn là nông dân, không có điều kiện kinh tế, chưa thể nghĩ tới việc đầu tư cho kiến trúc được. “Chưa kể việc về mặt tâm lý, người nghèo hay nhìn những người nhiều tiền hơn làm cái gì để bắt chước theo, nên muốn sửa diện mạo kiến trúc nông thôn phải sửa thành thị trước, rồi mới tính đến việc sửa sang kiến trúc của nông thôn”, KTS Nguyễn Lê Tùng chia sẻ.


Đây cũng chính là suy nghĩ của KTS Trần Hữu Thọ, bởi theo KTS này, kiến trúc ban đầu sinh ra cũng là để phục vụ cho những người có điều kiện kinh tế. Và hiện nay, rõ ràng phải có một điều kiện kinh tế nhất định nào đó, những người có nhu cầu xây nhà mới tính chuyện tìm đến KTS, còn không thì cũng chỉ dừng ở việc xây sao cho thành một cái nhà kiên cố, chắc chắn là đủ.


Nên bắt đầu từ đâu?


Dù bức xúc với kiến trúc hiện nay của Việt Nam, nhưng theo suy nghĩ chung của các KTS, thì vẫn phải chấp nhận việc chuyển đổi từ từ trong tư duy, cũng đồng nghĩa với việc chuyển đổi từ từ của diện mạo kiến trúc. “Kiến trúc thì bao gồm cả yếu tố văn hóa, bởi vậy một công trình kiến trúc nhà ở, ngoài giá trị sử dụng, còn phải có giá trị thẩm mỹ; tuy nhiên, thời gian qua, người dân mới chỉ tính đến việc có một căn nhà là đủ, mà chưa có điều kiện để tính tới một căn nhà đẹp. Việc này, chắc sẽ cần một thời gian nữa để thay đổi”, một KTS chia sẻ.


Và sự thay đổi, như đánh giá chung của các KTS, phải từ nhiều phía, từ “thượng tầng” với những quy định, văn bản cụ thể; từ “hạ tầng” với vấn đề tư duy của người dân.


“Điều quan trọng nhất, theo tôi là cần phải có những chủ trương, chính sách về vấn đề kiến trúc đô thị, nông thôn. Đơn cử như việc nếu chúng ta có chính sách tốt về quản lý nông thôn, có định hướng tốt cho người nông dân, thì chúng ta hoàn toàn có thể tránh được tình trạng đô thị hóa nông thôn như hiện nay.”, KTS Trần Hữu Thọ chia sẻ.


Cụ thể, theo KTS Trần Hữu Thọ, dù với công trình xây dựng nhà ở của người dân, cũng cần có những quy định cụ thể, bắt buộc phải tuân theo, có như vậy, KTS mới có “cớ” để vào cuộc; chứ như hiện nay, những công trình dưới 3 tầng sẽ không phải xin phép, không phải tuân theo quy định nào khi xây dựng, thì rõ ràng tình trạng “mạnh ai nấy làm” sẽ còn tiếp tục tiếp diễn.


Còn với KTS Nguyễn Lê Tùng, giải pháp đưa ra lại là vấn đề “thay đổi tư duy” cho người dân. Theo KTS Nguyễn Lê Tùng, phải giúp người dân thấy được lợi ích của việc được ở trong những ngôi nhà thật sự được gọi là đẹp, cũng như những lợi ích kinh tế khi xây nhà có thiết kế, quy hoạch. “Khoan chưa nói về một bộ mặt đô thị đẹp đẽ hay một cái gì to tát, lớn lao, tôi chỉ đặt vấn đề người dân khi xây một cái nhà, nếu không có KTS, không có chuyên gia tư vấn hợp lý, thì có thể rơi vào tình trạng xây xong phải đập đi, phải sửa chữa vì không phù hợp; rồi không tiết kiệm về mặt năng lượng như nhà bí thì phải dùng nhiều điều hòa, nhà tối phải dùng nhiều đèn, nhà nóng phải chống nóng…

 

Tôi coi đó là một sự lãng phí, mà nếu có được sự tham gia tư vấn của KTS sẽ không xảy ra. Bên cạnh đó, tôi quan niệm một phòng ngủ đẹp, một phòng khách đẹp, nói rộng hơn là một căn nhà đẹp và rộng hơn nữa là một tuyến phố, một khu đô thị đẹp… vô cùng quan trọng, bởi nếu chúng ta nếu được ở trong một nơi đẹp đẽ như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ sung sướng hơn. Và cuối cùng, dù chúng ta phải đi làm, đi học, có lúc đi chơi, nhưng thời gian ở nhà vẫn là thời gian nhiều nhất, vì vậy, một căn nhà tiện nghi, an toàn, tốt sẽ khiến gia đình hạnh phúc hơn”, KTS Nguyễn Lê Tùng lý giải.


Và cuối cùng, theo KTS Nguyễn Lê Tùng, vẫn phải bắt đầu mọi chuyện từ kiến trúc đô thị, sửa được kiến trúc đô thị, chắc chắn kiến trúc nông thôn sẽ ổn hơn!

 

P.V

 Cầu Đông Trù - điểm nhấn kiến trúc phía đông bắc Thủ đô
Cầu Đông Trù - điểm nhấn kiến trúc phía đông bắc Thủ đô

Cầu Đông Trù - cây cầu rộng nhất Việt Nam bắc qua con sông Đuống thơ mộng, hiền hòa sắp được khánh thành, kéo nông thôn về gần với thành thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN