Hát bộ (hay hát bội) là loại hình sân khấu xuất hiện sớm nhất ở Nam Bộ. Và Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tiếp nhận và thích nghi khá sớm loại hình nghệ thuật này.
Nguồn gốc cung đình
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hát bội có nguồn gốc từ cung đình, xuất hiện từ thời nhà Lý, do người Trung Hoa đời Tống truyền sang Đại Việt. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với vật tượng trưng, ví dụ như ngựa chỉ là một cây roi hay cây chổi có buộc nhiều sợi vải màu; tướng soái chỉ huy cả mươi vạn binh, mang sau lưng cờ trận, kỳ hiệu của những đội quân do vị tướng này thống lĩnh…
Vua quan, giới thượng lưu và quần chúng thời xưa rất ưa chuộng lối hát tuồng có diễn xuất bằng điệu bộ này. Vua Tự Đức nhà Nguyễn đã soạn một số vở tuồng và cùng diễn với các danh nho. Trước khi qua đời, nhà vua đã cho xây một nhà hát trong lăng tẩm của mình. Vua Thành Thái cũng rất thích xem hát bộ và cũng có tham gia diễn.
Do từ Trung Quốc truyền sang nên phần lớn tuồng tích đều dựa trên sử và chuyện Tàu, có khi không phù hợp với xã hội, tính dân tộc của người Việt. Bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) đã từng chỉnh lý, sửa tuồng cho hợp với đạo lý, phong tục tập quán người Việt.
Hát bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của những vị anh hùng; đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo lý làm người. Kết thúc của những tuồng hát bao giờ cũng là những kết quả tất yếu, có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, gieo nhân nào hưởng quả ấy…
Ở Nam Bộ, các đoàn hát thường diễn những tuồng tích Trung Hoa như: Phàn Lê Huê, Lưu Kim Đính, Tiết Cương, San Hậu, Hoa Mộc Lan, Thuyết Đường, Tàn Đường và hàng loạt những tuồng tích theo truyện Tàu; thỉnh thoảng có những tuồng tích, sử Việt được dàn dựng như Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa, Thạch Sanh-Lý Thông, Linh Sơn Thánh Mẫu (sự tích núi Bà Đen).
Cải biến phù hợp với tinh thần người Việt
Hát bội lúc mới hình thành có đặc thù, đặc trưng, cách hóa trang, phục sức cũng như những câu nói lối, hát khách mang rất đậm màu sắc Trung Hoa. Đến giữa thế kỷ 20, hình thức dần dần cải biến, dàn nhạc trình tấu hay phụ đệm đã sử dụng thêm nhạc cụ của nước ta. Các nghệ nhân sáng tác, bổ sung, những câu đối đáp bằng văn xuôi dễ hiểu được đưa vào tuồng cùng với sự cách tân các điệu bộ tạo nên sự mới mẻ và hấp dẫn cho hát bội.
Hát bội ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa diễn khắp nơi, từ thành thị, chợ búa đến chốn nông thôn hẻo lánh. Phần nhiều vào các dịp Tết, lễ hội, vía bà, cúng đình. Đây cũng là dịp vui chơi của dân làng và nam thanh nữ tú. Các lễ hội cúng Thành hoàng, cúng vía bà thường luôn có các đoàn hát bội diễn miễn phí, liên tục nhiều suất trong ngày để phục vụ nhân dân, bá tánh hành hương.
Ở những miệt đồng bưng xa, các ghe hát bội vẫn đi tới phục vụ diễn tuồng, đem niềm vui lại cho cư dân ở đó. Ở những nơi này, mỗi khi có hội cúng đình, hoặc lễ Tết, người ta cố mời bằng được một đoàn hát bội về để diễn cho nhân dân xem thỏa thích. Lễ hội năm nào mà thiếu hát bội, thì ban hội tề ở đó cảm thấy “muối mặt” với dân làng và xã bạn.
Với sức sống lâu bền, hát bội trở thành nét văn hóa độc đáo của Nam Bộ nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Cải lương Nam Bộ đã bắt nguồn từ chính loại hình biểu diễn này với sự cách tân loại hình sân khấu cổ điển cùng với sự tổng hợp các loại hình ca hát cũ, mới của Nam Bộ lúc bấy giờ, theo một hình thức thể hiện và diễn tả mới mẻ, hấp dẫn.
Anh Việt