Theo Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình cho biết, họa sỹ Trần Lưu Hậu đã qua đời ngày 29/2/2020 (tức ngày 7 tháng 2 năm Canh Tý). Lễ viếng diễn ra từ 9 giờ ngày 6/3/2020, tại nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Một họa sỹ tài năng
Họa sỹ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sỹ Tô Ngọc Vân phụ trách (sau này vẫn thường được gọi là khóa Mỹ thuật kháng chiến). Năm 1955, ông được cử đi tu nghiệp tại Học viện Mỹ thuật Surikop, Moskva, Liên Xô cũ. Từ năm 1962 đến năm 1989, ông tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trong con mắt của bạn bè, đồng nghiệp và giới hội họa, họa sỹ Trần Lưu Hậu là người hiền lành, chất phác, luôn yêu quý mọi người, ông cũng là một họa sỹ tài năng và tâm huyết với nghề.
Trước những năm 1990, các tác phẩm của ông chủ yếu theo phong cách hiện thực với đề tài cách mạng và phong cảnh, sinh hoạt miền núi… Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như “Bộ đội về bản” , “Thuyền và núi”, “Mùa xuân trên bản”…
Sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian cho hội họa, các tác phẩm tranh của ông thời kỳ này tập trung vào tranh phong cảnh, biển, tĩnh vật, hoa… Giai đoạn này, ông sáng tác hàng loạt serie tranh với màu sắc tươi mới, phong cách hiện đại pha lẫn hiện thực với biểu hiện hầu như trừu tượng, với cảm xúc cá nhân được thể hiện mạnh mẽ trong từng tác phẩm.
Đánh giá về những đóng góp của họa sỹ Trần Lưu Hậu với nền mỹ thuật nước nhà, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, họa sỹ Trần Lưu Hậu là một trong những họa sỹ có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của mỹ thuật đương đại Việt Nam, từ những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cùng với những họa sỹ tên tuổi như Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa… Họa sỹ Trần Lưu Hậu là một trong những đại diện tiêu biểu, xuất sắc, tiếp tục kế thừa những ảnh hưởng tốt đẹp từ “dòng chảy vàng” của mỹ thuật Đông Dương trước đó.
Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, họa sỹ Trần Lưu Hậu được nhận định là một trong những họa sỹ đã xóa bỏ định kiến về tính “bảo thủ” của thế hệ ông. Khi đó, vào thời kỳ mà các sáng tác mỹ thuật Việt Nam còn chịu ảnh hưởng rất lớn của phong cách vẽ hiện thực kiểu Liên Xô, họa sỹ Trần Lưu Hậu đã vẽ với cái nhìn chủ quan cá nhân mạnh mẽ. Giới trong nghề đánh giá, khi đó, ông giật những nét bút lớn, dài, đầy xung lực, tạo nên những dòng chuyển động không ngừng trong tác phẩm. Ông nhỏ nhẹ, mềm mại khi vẽ lụa, đầy cảm xúc mãnh liệt, phóng khoáng khi thể hiện trên sơn dầu... Trong thời kỳ khó khăn, khi chưa có đủ chất liệu như bây giờ, ông vẽ bột màu, nhưng cách xử lý bột màu của ông cũng rất tài tình, khiến cho giới trong nghề kính nể.
“Có thể nói, họa sỹ Trần Lưu Hậu là một đại diện xuất sắc của thế hệ họa sỹ khóa kháng chiến có đóng góp cho sự thay đổi về quan niệm nghệ thuật, cho xu thế đa dạng về khuynh hướng sáng tạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông là người đi trước đổi mới về tư duy nghệ thuật, can đảm từ chối những thói quen của tư duy bao cấp bảo thủ và trì trệ mà ông coi đó là sự cản trở trong xu thế phát triển nghệ thuật, cản trở tự do sáng tạo của người nghệ sỹ”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn đánh giá.
Nhà sư phạm xuất sắc
Không chỉ ghi dấu ấn ở sáng tác, với gần 3 thập kỷ làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Trần Lưu Hậu còn là một người thầy quan trọng trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật. Ông được cho là người đã khai mở cho những sáng tác của thế hệ họa sỹ mới, đưa đến cho học trò một quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, trở về những vẻ đẹp đời thường, bình dị, tự sự cá nhân chứ không phải cái minh họa tập thể. Quan niệm đào tạo của ông đã mang lại những ảnh hưởng tốt đẹp đến các thế hệ học trò của ông. Nhiều học trò của ông đã trở thành những họa sỹ nổi tiếng, thành danh như Lê Anh Vân, Thành Chương, Đặng Xuân Hòa...
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ, là một nhà sư phạm xuất sắc với quan niệm đào tạo nghệ thuật hết sức riêng biệt, họa sỹ Trần Lưu Hậu có biệt tài phát hiện và đánh thức khả năng của từng học trò, nhưng ông không áp đặt ảnh hưởng của mình lên sinh viên, hướng các học trò của mình có tư duy độc lập trong quan niệm sáng tác, không nên nghĩ theo thầy, vẽ theo thầy.
“Ông đưa đến cho học trò những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, song lại rất tôn trọng cái tôi cá tính trong từng người. Trong các chuyến đi thực tế sáng tác, thay vì chỉ ký họa ghi chép lại thực tế, ông thường khuyến khích học trò thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân, nhờ đó mà trong thời kỳ này, nhiều khuynh hướng sáng tác mới đã được manh nha hình thành”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết.
Bên cạnh những đóng góp lớn cho mỹ thuật, đào tạo, họa sỹ Trần Lưu Hậu cũng tạo được nhiều dấu ấn trong ngành thiết kế sân khấu. Từ những năm 80, ông là một trong số ít các nhà thiết kế sân khấu sớm đi vào tính tối giản, tận dụng không gian đa chiều với những mặt cắt của không gian, kế thừa thủ pháp ước lệ trong sân khấu truyền thống, nhưng thể hiện cô đọng, không rườm rà, tạo nên dấn ấn riêng biệt, góp phần mang đến thành công cho các vở diễn sân khấu thời đó như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Âm mưu và tình yêu”, “Con cáo và chùm nho”…
Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, họa sỹ Trần Lưu Hậu đã có nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Tác phẩm của ông có mặt ở Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Phương Đông ở Ba Lan và Liên Xô cũ, trong các bộ sưu tập tư nhân. Ông cũng giành nhiều giải thưởng về mỹ thuật như giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980, Huy chương Vàng thiết kế mỹ thuật Hội diễn sân khấu năm 1980, Giải Nhất Triển lãm đồ họa toàn quốc 1985… Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1. Năm 2019, ông nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Những năm tháng cuối đời, do tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông không đi lại được, phải ngồi xe lăn, nhưng tình yêu với nghệ thuật vẫn khiến họa sỹ Trần Lưu Hậu không ngừng sáng tạo, ông nỗ lực chống chọi với bệnh tật, ngồi vẽ trên xe lăn. Họa sỹ Lương Xuân Đoàn kể, lần cuối gặp họa sỹ Trần Lưu Hậu, ông vẫn thấy trên bánh xe lăn và đôi giày bata của người họa sỹ già be bét đầy màu sơn. Điều đó cho thấy, họa sỹ Trần Lưu Hậu đã dành trọn vẹn tình yêu và sức lực của mình cho sáng tạo nghệ thuật đến phút cuối cùng…
"Họa sỹ Trần Lưu Hậu mất đi là một tổn thất cho mỹ thuật đương đại Việt Nam, khi mà mỹ thuật trong nước đang đứng trước một vận hội mới cần rất nhiều sự chuyển mình, thay đổi. Tuy nhiên, quan điểm của ông trong sáng tác nghệ thuật cũng như trong đào tạo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tốt đẹp tới các thế hệ sau này", Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định.