Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, hiện nay tại lăng vua Gia Long đã lắp đặt hệ thống trạm tiếp nước hạn chế rác thải nhựa. Không gian nơi đây trong lành, được phủ nhiều cây xanh, hồ nước, rất thích hợp để hướng tới xây dựng điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong hành trình xây dựng tuyến du lịch xanh tại đây, đơn vị đã nhận được sự đồng hành, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia, trao tặng phương tiện, cây xanh để làm đẹp, xanh hơn cho khu vực di tích. Hy vọng tuyến du lịch xanh tại lăng vua Gia Long sẽ lan tỏa rộng khắp, tạo nên phong trào giao thông xanh, thân thiện môi trường trên khắp thành phố Huế, ông Hoàng Việt Trung nhấn mạnh.
Lăng vua Gia Long là một điểm đến trong quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việc đưa vào hoạt động tuyến du lịch xanh thể hiện sự văn minh, tiện ích của điểm đến di sản này; tạo điểm nhấn, sự tiện lợi trong hành trình tham quan, sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm phát triển theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh.
Trong thời gian đầu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ đầu tư gần 80 phương tiện đi lại thân thiện với môi trường như xe đạp, xe đạp điện, ô tô điện để giúp bù đắp khoảng 32kg khí thải CO2 và 40 cây xanh hàng năm, hướng đến thực hiện cam kết hành động của Việt Nam tại hội nghị COP26 về giảm thiểu khí thải, loại bỏ sản xuất điện bằng than vào năm 2040, chấm dứt nạn phá rừng năm 2030. Đơn vị sẽ sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ sẵn có, phát hành các loại vé khác nhau nhằm đa dạng hóa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Lăng mộ vua Gia Long có tên gọi khác là Thiên Thọ Lăng, được xây dựng trong 6 năm (1814-1820) gồm nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến vua Gia Long. Toàn bộ quần thể lăng gồm 42 ngọn núi, đồi lớn nhỏ có diện tích hàng trăm hecta. Trong đó, có rất nhiều công trình kiến trúc di tích văn hóa và tâm linh có giá trị, tạo nên một hệ sinh thái cảnh quan rất thơ mộng, thanh bình.