Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra mắt cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Nga, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Cuốn sách do một nhóm dịch giả Việt - Nga phụ trách chuyển ngữ. Bản dịch dựa theo văn bản tập khảo đính Truyện Kiều của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang tiếng Nga vẫn mang tên Kiều (КИЕУ) với tên thứ hai là Đoạn trường tân thanh (Стенания стерзанной души). Quyển sách được in bằng nguyên bản tiếng Việt Nam và bản dịch thơ bằng tiếng Nga cùng với các chú giải chọn lọc và các minh họa.
Vượt rào cản ngôn ngữ
Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, nhà thơ, dịch giả người Việt hiện đang sinh sống tại Liên bang Nga, người phụ trách nhóm dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga cho biết: “Việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga là một công việc khó khăn, nặng nề và đầy trách nhiệm của các dịch giả, bởi chúng tôi xác định không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường, mà mục đích cuối cùng phải đạt tới là làm sao có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung Truyện Kiều mà không làm mất đi vẻ đẹp của nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam”.
Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau. |
Theo TS Nguyễn Huy Hoàng, một người dịch giỏi cần phải hội đủ 3 yếu tố: Giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt và chuyên môn giỏi. “Nhưng nếu một người hội đủ 3 yếu tố đó, là một người dịch giỏi, thì khi dịch Truyện Kiều cũng chưa thể được, bởi Truyện Kiều là “thành lũy văn hóa” khủng khiếp quá. Khi dịch Truyện Kiều, chúng tôi phải đối mặt với bao nhiêu điển cố, bao nhiêu hiện tượng văn hóa, hiện tượng từ ngữ… nên dịch Truyện Kiều với chúng tôi gần như là quá sức. Để khắc phục khó khăn, chúng tôi cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ, cố gắng giản dị hóa, để đưa người đọc tiếp cận toàn bộ nội dung Truyện Kiều, và làm sao để đưa người ta hiểu nghệ thuật trong Truyện Kiều, đây mới là điều khó nhất”.
Mặc dù vậy, TS Nguyễn Huy Hoàng cũng phải thừa nhận, trong quá trình dịch, có những đoạn thơ về mặt nghệ thuật các dịch giả “bó tay” hoàn toàn, không thể dịch được. Ví dụ như đoạn: “…Tà tà bóng ngả về tây/ Chị em thơ thẩn dang tay ra về/ Bước lần theo ngọn tiểu khê/ Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh…”, những câu thơ này của Nguyễn Du rất mềm, rất uyển chuyển, nhưng khi chuyển sang thơ Nga, các dịch giả chẳng qua là giải mã được ra tiếng Nga, còn về phần nghệ thuật, phần hay nhất trong tác phẩm thì không thể chuyển tải được. “Đó là điều vô cùng tiếc nuối của người dịch, nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì khác được”, TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.
Anh Jan Komárek, sinh viên trường đại học Charles, Praha, Cộng hòa Séc, người đã dịch được 200 câu Kiều từ nguyên bản tiếng Việt sang tiếng Séc cũng thừa nhận, việc chuyển ngữ Truyện Kiều vô cùng khó, bởi nó có nhiều điển tích, rất nhiều câu chẳng hạn như câu “Trải qua một cuộc bể dâu”, nếu dịch nguyên xi thì mất nghĩa, nên anh đã phải dịch theo cách khác một chút, rồi thêm chú thích đây là điển cố. Jan Komárek cho biết, anh không dịch ra văn xuôi như nhiều người làm, mà dịch thành thơ luôn. “Tôi áp dụng phương pháp tăng gấp đôi số âm tiết, nghĩa là không phải thơ lục bát nữa, mà là thập nhị, thập lục, giữ gìn vần điệu trong câu thơ. Tôi mất khoảng 2 năm để dịch được 200 câu Kiều, những hôm tập trung nhất cũng chỉ có thể dịch tối đa 10 câu một ngày”. Jan Komárek hy vọng 5 năm nữa sẽ có một bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Séc được dịch từ tiếng Việt.
Thách thức lớn
Có thể nói, việc chuyển ngữ "Truyện Kiều" sang bất cứ ngôn ngữ nào cũng là một thách thức lớn đối với các dịch giả, vì đây là một tác phẩm chữ Nôm, chứa rất nhiều điển tích, lại được thể hiện dưới dạng thơ lục bát, một thể loại thơ theo vần, theo điệu mà không có trong thơ của bất kỳ ngôn ngữ nào. Ở một số bản dịch Kiều được cho là thành công, thì dịch giả cũng chỉ dịch theo kiểu thơ hiện đại. Ví như trong cuốn Truyện Kiều tiếng Nga vừa ra mắt, người dịch thành văn bản thơ tiếng Nga là Vasili Popov đã dịch thành thể loại thơ đại chúng nhất ở Nga, để độc giả có thể cảm nhận phần nào cái hay, cái đẹp của tác phẩm, chứ không thể chuyển thành thơ lục bát được.
Trước đó, dịch giả Ahn Kyong Hwan (Hàn Quốc) cũng không thể dịch thơ lục bát tiếng Việt thành thơ lục bát tiếng Hàn Quốc, bởi trong thơ Hàn không có loại thơ vần điệu theo kiểu 6-8 nghiêm ngặt như thế. Trong thơ Hàn Quốc, người ta chỉ có thể sáng tác theo kiểu tách nhịp điệu, hoặc dùng từ lặp ở những âm tiết cuối câu để người đọc cảm nhận sự mềm mại của thơ, thấy được cái âm hưởng của câu thơ Kiều.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trên thực tế, ngay từ cuối thế kỷ XIX, vào năm 1884-1885, Truyện Kiều đã được Abel des Michel dịch ra tiếng Pháp. Cho đến nay, đã có tới trên 30 bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Phần Lan, Ả Rập, Đức, Bungari, Rumani, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Lào, Thái Lan…
Có thể nói, trên phương diện văn bản, Truyện Kiều đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng phổ cập nhất và đã đến được với đông đảo công chúng và bạn đọc ở tất cả các nền văn hóa lớn trên toàn thế giới. Và con số này chắc chắn sẽ không dừng lại, bởi Truyện Kiều được đánh giá là tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam, và luôn có những người tâm huyết, yêu Truyện Kiều, muốn dịch Truyện Kiều. Tuy vậy, với 3.236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán Việt, việc chuyển ngữ Truyện Kiều thực sự là một thách thức lớn với các dịch giả trong và ngoài nước.