Qua đó, người dân Thủ đô và du khách gần xa được đắm chìm trong những điệu múa đặc sắc, mang đậm sắc thái vùng đất ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại các điệu múa cổ có thể chỉ giới hạn ở làng, xã, ít có cơ hội được trình diễn trước công chúng.
Nỗi lo mai một
Ấn tượng nhất trong các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội có thể kể tới múa trống bồng ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, với sự tham gia của các chàng trai giả gái, má phấn môi son, mặc áo tứ thân, đeo trống nhỏ trước bụng để múa. Điệu múa uyển chuyển, phóng khoáng... thực sự quyến rũ người xem. Người có công gìn giữ và truyền dạy điệu múa trống bồng là ông Triệu Đình Hồng, người gốc làng Triều Khúc.
Sau nhiều năm mai một, ông Hồng được các cụ cao niên trong làng truyền dạy lại điệu múa này để trình diễn trong hội làng, từ đó mỗi năm ông vận động, truyền dạy cho 2-3 thanh niên khác. Ông Triệu Đình Hồng cho biết, để có nhiều người theo học hơn, ông đề xuất với Trường Trung học cơ sở Tân Triều để dạy cho học sinh. Nhờ đó, chỉ vài năm trở lại đây, ông đã truyền dạy cho 60-70 học sinh và các cháu đã có thể biểu diễn được.
Ông Triệu Đình Hồng bộc bạch, dù điệu múa của làng, xã đã được khôi phục nhưng đến giai đoạn sau này, những người tâm huyết không còn nhiều, liệu múa trống bồng Triều Khúc có được duy trì thường xuyên?
Theo ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 80 điệu múa cổ trong lễ hội làng và các lễ thức dân tộc, nhưng chỉ có khoảng 30 điệu múa được các làng, xã duy trì thường xuyên. Như vậy, số điệu múa cổ mai một hoặc người dân các làng xã không trình diễn thường xuyên khá lớn, trong đó nhiều điệu múa có giá trị. Trăn trở trước những giá trị quý đang bị lãng quên, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng các điệu múa cổ Hà Nội.
Sau thời gian dài sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã sưu tập được 59 hình thức múa trong lễ hội làng và các lễ thức dân tộc, ghi hình 13 hình thức múa trong 8 lễ hội, lễ thức. Nhiều điệu múa đã bị mai một được tìm lại và khôi phục như: Múa tứ linh ở làng Lỗ Khê, huyện Đông Anh; múa gậy ở làng Trực Xá, huyện Gia Lâm; múa bài bông ở Phú Nhiêu, huyện Thường Tín… Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn phối hợp với địa phương, nghệ nhân trong làng vận động nhân dân duy trì thường xuyên trong lễ hội làng. Thậm chí, Hội còn hỗ trợ địa phương xây dựng một phòng truyền thống, trưng bày tư liệu về hình ảnh, video do Hội cung cấp và trang phục, đạo cụ của các điệu múa cổ.
Sau khi sưu tầm và phục dựng, các nhà nghiên cứu không đưa biên đạo tham gia, dàn dựng điệu múa cổ; các diễn viên không tham gia biểu diễn. Người dân chính là chủ thể các điệu múa và ngược lại điệu múa sống được từ chính cái nôi cộng đồng dân cư, đảm bảo tính nguyên vẹn như vốn có của nó…
Trong quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều làng xã chuyển thành phường, cuốn theo sự thay đổi của kinh tế, xã hội, giới trẻ trong làng thường hướng đến những loại hình nghệ thuật hiện đại, nhiều người trăn trở liệu điệu múa cổ có được thực hành lâu dài hay chỉ trong một thời gian, thời điểm nhất định? Bản thân ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cũng bày tỏ: “Chỉ lo 10 - 20 năm sau, các điệu múa cổ không còn được người dân trình diễn thường xuyên thì các giá trị văn hóa truyền thống có khả năng lại bị mai một”.
Còn khó khăn trong phát huy giá trị múa cổ
Sau quá trình sưu tầm, phục dựng, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc trình diễn giới thiệu đến công chúng tinh hoa văn hóa điệu múa cổ Thăng Long thông qua các kỳ liên hoan và buổi biểu diễn. Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ là địa điểm lý tưởng được lựa chọn trình diễn bởi sự phù hợp về không gian trình diễn và sự tương đồng về chiều sâu văn hóa. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, do không chủ động về nguồn lực nên Hội mới chỉ tổ chức được liên hoan múa cổ vào các năm 2007, 2008, 2009 và 2014 cùng cuộc trình diễn quy mô lớn vào năm 2010 nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, khi huy động được kinh phí, Hội tổ chức thêm mỗi năm 1-2 cuộc biểu diễn quy mô nhỏ cũng tại khu vực này để phục vụ công chúng.
Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, do kinh phí khó khăn nên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cũng chưa tổ chức thêm được kỳ liên hoan nào. Các cuộc trình diễn nhỏ cũng thưa dần, người dân các làng, xã đang lưu giữ điệu múa cổ ít có cơ hội giới thiệu tới công chúng. Cũng do thiếu kinh phí nên việc sưu tập tư liệu ghi hình các điệu múa cổ còn lại chưa thể thực hiện tiếp, việc hỗ trợ các làng xã trong công tác bảo tồn còn hạn chế…
Thời gian tới, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tiếp tục nghiên cứu đề án “Múa trong lễ hội của Thăng Long-Hà Nội”, bao gồm: Nghiên cứu múa, hát, diễn xướng, đọc thơ, lời bình… có nghĩa nghiên cứu tương quan các bộ môn nghệ thuật trong lễ hội. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, việc phục dựng và phát huy các giá trị này như thế nào mới là điều được quan tâm hơn cả.