"Lấp những khoảng trống"...
Đầu tháng 8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã ban hành "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" nhằm khuyến khích cải thiện và tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước. Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.
Bộ tiêu chí đề cập đến các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại di tích, lễ hội cam kết tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ công cộng; thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; quan hệ giao tiếp, ứng xử của các chủ thể quản lý và người tham gia trong hoạt động lễ hội bảo đảm văn minh, văn hóa; tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về di tích, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú.
Cùng với đó là tiêu chí về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; bài trừ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực, các hành vi phản cảm trái thuần phong, mỹ tục dân tộc trong hoạt động lễ hội.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đánh giá: Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống được ban hành là một bước quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Sơn nêu rõ: Việc xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống không chỉ đảm bảo sự sống còn của những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra một loạt các lợi ích xã hội, kinh tế và tinh thần quan trọng cho mỗi cộng đồng và cả đất nước. Đây được xem là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống trên khắp địa phương.
Bộ tiêu chí này có thể giúp đảm bảo rằng lễ hội không bị thương mại hóa quá mức, mà thực sự thể hiện bản chất và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc thực hiện đúng các tiêu chí sẽ đảm bảo mọi khía cạnh của lễ hội được chuẩn bị chu đáo và chất lượng, tạo nên một trải nghiệm tốt cho người tham gia. Đồng thời, một Bộ tiêu chí rõ ràng và minh bạch cũng giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức, cơ quan quản lý, địa phương trong việc tổ chức lễ hội. Việc sử dụng Bộ tiêu chí này không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước mà còn định hình môi trường tổ chức lễ hội một cách có ý nghĩa...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Chuyển mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ đã chủ động báo cáo, đề xuất, ban hành các chính sách nhằm "lấp những khoảng trống" về vấn đề quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực.
Thông qua việc xây dựng pháp luật đã thể hiện một cách tiếp cận mới đó là không phải chỉ quản lý mà còn kiến tạo sự phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ: Bộ đã tập trung rà soát các điểm nghẽn, tham mưu trúng và đúng để ban hành các cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù của ngành. Ông cũng nhấn mạnh nhiêm vụ phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc...
"Đại công trình" về chấn hưng, phát triển văn hóa
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, định hướng phát triển văn hóa và đất nước giai đoạn 2021-2030 là "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp cụ thể để thực hiện thành công mục tiêu "xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
Thực hiện các chỉ đạo này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đưa các nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam vào cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Xây dựng và triển khai thành công Chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình là huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Chương trình sẽ góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thiện thể chế, thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực hoạt động văn hóa.
Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được hưởng thụ, tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương; 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa.
Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đoạt Giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP...
Chương trình cũng nêu ra 9 nhóm dự án về: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị cần xem đây là "đại công trình" và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên nhất, đạt hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng đúng, kịp thời yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước ta trong thời kỳ mới.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp trong cả nước để khẩn trương, tích cực, trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc này thành công sẽ góp phần tạo chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới, biến văn hóa thực sự thành nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước hùng cường, bền vững.