Bài cuối: Thống nhất đầu mối quản lý
Để bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa của dân tộc, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các cơ quan Nhà nước và UBND các tỉnh/thành phố trên cả nước yêu cầu kiện toàn bộ máy quản lý di tích. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, để kiện toàn được bộ máy quản lý di tích như yêu cầu vẫn còn là chặng đường dài.
Trước tình trạng thiếu thống nhất về mô hình quản lý di tích hiện nay, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các cơ quan Nhà nước và UBND các tỉnh/thành phố trên cả nước, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét việc kiện toàn bộ máy quản lý di tích trên địa bàn với những định hướng cụ thể. Theo đó, đối với UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, cần thống nhất đầu mối đơn vị quản lý nhà nước về di tích thuộc Phòng Di sản văn hóa Sở VHTTDL.
Ngỡ ngàng vì suối Khe Thẻ trong khu di tích Mỹ Sơn bị bê tông hóa. Ảnh: thanhnien.com.vn |
UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương. Ban quản lý di tích trực thuộc Sở VHTTDL chịu trách nhiệm quản lý những di tích quan trọng và hướng dẫn nghiệp vụ về các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cần nghiên cứu lộ trình nâng cấp bộ máy hiện nay trực thuộc UBND cấp tỉnh; đối với các di tích quốc gia đặc biệt cần căn cứ điều kiện từng địa phương, phạm vi và quy mô di tích. Đối với các di tích thuộc bộ, ngành quản lý, kể cả di tích đang là trụ sở của bộ, ngành hoặc cơ quan trực thuộc cần thành lập đơn vị quản lý di tích chuyên trách.
Với các di tích được xếp hạng khác, UBND cấp xã, nơi có di tích cần thành lập tổ bảo vệ di tích, có sự tham gia của lãnh đạo xã, mặt trận tổ quốc, hội người cao tuổi, đại diện dòng họ, đại diện trụ trì và người trông coi trực tiếp di tích. Mỗi di tích chỉ có một tổ chức quản lý, không để xảy ra tình trạng đã được xếp hạng mà không rõ tổ chức, cá nhân nào được quyền bảo vệ, chăm sóc.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về công văn này, ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết, văn bản của Bộ VHTTDL đã gửi về đến UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản giao Sở VHTTDL phối hợp với Ban tuyên giáo tỉnh và địa phương xem xét để đưa ra một mô hình thống nhất. Tuy nhiên, ông Chính cho biết, văn bản đề nghị của Bộ cũng có một số điểm còn “vướng”, vì theo Thông tư liên bộ giữa Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ, trong số các phòng chức năng, nhiều địa phương không có phòng di sản, ở Bắc Giang cũng chưa có, mà các hoạt động quản lý di sản ghép vào phòng Nghiệp vụ văn hóa. Tới đây, Sở VHTTDL Bắc Giang sẽ cùng các đơn vị liên quan thống nhất xem xét thực hiện mô hình quản lý phù hợp.
Ông Nguyễn Thế Chính đánh giá, việc ban hành văn bản này là sự chuyển biến mới về công tác quản lý di tích trong chỉ đạo của Bộ VHTTDL, nhưng việc đáp ứng thực tiễn thì còn cần thời gian để xem xét và triển khai.
TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cho rằng, công văn này đã đáp ứng được yêu cầu của ngành VHTTDL các tỉnh, nhưng nếu chỉ công văn đề nghị như hiện nay thì sẽ không có giá trị về mặt quy phạm pháp luật, nên khó thực thi. Để việc kiện toàn bộ máy quản lý có hiệu quả, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu lại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt phải làm việc với Bộ Nội vụ, để cho ra được văn bản, thông tư hướng dẫn liên ngành giữa Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ, yêu cầu UBND các tỉnh cùng thực hiện, chứ nếu chỉ văn bản yêu cầu như “khuyên” các tỉnh thì sẽ khó thực thi.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cho rằng, Bộ VHTTDL cần có những hướng dẫn chi tiết hơn, ví dụ như với di sản thế giới thì mô hình quản lý như thế nào, di sản quốc gia đặc biệt thì như thế nào, di sản cấp quốc gia, di sản cấp tỉnh thì bộ máy như thế nào... Những quy định này cũng phải được ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật thì mới thống nhất chung cho toàn quốc được.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy quản lý di tích, nâng cao trách nhiệm quyền lực cho bộ máy quản lý di tích, thì điều quan trọng là cần phải nâng cao năng lực, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn sâu cho cán bộ quản lý. “Phải hiểu di tích mới quản lý được. Nếu làm công tác di sản mà không hiểu về di sản thì khó có thể bảo vệ di sản một cách tử tế được”, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền nói.
Chặng đường từ khi có văn bản đến khi có thể kiện toàn được bộ máy quản lý di tích vẫn còn cả một chặng đường dài. “Nhưng dù khó thì cũng cần phải làm, và làm càng sớm càng tốt. Nếu các cơ quan chức năng (Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ) sớm ban hành văn bản chung, thì việc kiện toàn bộ máy quản lý di tích tại các địa phương sẽ được thực hiện hiệu quả hơn”, TS Trần Hữu Sơn khẳng định.
Phương Hà