Trong những ghi chép lịch sử được lưu giữ đến ngày nay không có thông tin chính xác về thời điểm thành lập của làng cổ Nam Ô, nhưng mật độ xuất hiện dày đặc của các di tích, phế tích lịch sử, kèm theo những giai thoại của dân làng từ xa xưa đã xây nên một bề dày huyền sử vẻ vang của làng biển dưới chân đèo Hải Vân.
Nơi giao thoa văn hóa giữa người Chăm Pa và Đại Việt
Tuy chưa rõ hình thành từ bao giờ, nhưng làng chài Nam Ô hiện vẫn còn sử dụng những giếng nước ngọt được xây dựng đúng theo kiến trúc Chăm. Giếng có thành vuông, bên trong lót gỗ, có hoa văn trang trí, tuy đã phủ nhiều rêu phong theo thời gian nhưng nước luôn đầy ắp và mát mẻ. Cách đó không xa là khu phế tích của tháp Chăm Xuân Dương xưa kia. Đây từng là một tháp Chăm rất lớn, có niên đại khoảng thế kỷ XI. Sau này, nhiều hiện vật ở di tích chăm Xuân Dương được người Pháp quy tập về nghiên cứu, đến nay vẫn còn nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Theo các nhà nghiên cứu, tháp Xuân Dương lớn hơn hẳn các tháp Chăm cùng thời và được xây rất gần với biển, nên có thể đây vừa là công trình thờ tự, vừa được dùng như “ngọn hải đăng” để định hướng tàu thuyền cập bến. Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của tháp Xuân Dương, cũng như làng Nam Ô trong phát triển kinh tế biển từ xa xưa.
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1306, vua Chế Mân của vương quốc Chăm Pa dâng 2 khu vực Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ, cưới Huyền Trân công chúa, con gái vua Trần Nhân Tông. Từ đó Châu Ô, Châu Lý (từ phía bắc Quảng Trị đến khu vực làng Nam Ô ngày nay) chính thức được sát nhập vào Đại Việt. Cái tên Nam Ô cũng có ý nghĩa là “cửa ô phía Nam” của đất nước. Cũng từ đó, trên vùng đất này, sự giao thoa văn hóa Chăm Pa và Đại Việt bắt đầu.
Một năm sau lễ cưới, vua Chế Mân chết, lo sợ công chúa Huyền Trân bị chôn cùng chồng theo tục lệ của Chăm Pa, vua Trần Nhân Tông sai tướng lĩnh giải cứu công chúa về. Tương truyền rằng khi tháo chạy đến Nam Ô, Huyền Trân gặp sự truy đuổi của quân Chăm Pa nên phải trốn tạm vào rừng và chờ thuyền của Đại Việt tới đón. Hiện nay ở khu vực Mũi Hạc, một dải đất nhỏ nhô ra biển với hệ sinh thái rừng cây lâu năm, vẫn còn một phế tích đền thờ Huyền Trân công chúa. Dân làng Nam Ô coi đây là khu rừng thiêng và cùng nhau bảo vệ từng gốc cây, tán lá của ngôi rừng từ nhiều đời nay.
Theo “người chép sử làng Nam Ô” Đặng Dùng, gần phế tích đền thờ Huyền Trân công chúa còn có một ngôi mộ cổ, không rõ lai lịch nhưng dân làng vẫn thờ phụng từ xưa đến giờ. Tương truyền đây là mộ của viên tướng Đại Việt đã tình nguyện ở lại Nam Ô để chỉ huy đội quân cảm tử, chặn đánh quân Chăm Pa sau khi công chúa rời đi. Có thể những người lính sống sót sau trận chiến đã trở thành những người Đại Việt đầu tiên tại đây. Sau hàng thế kỷ, người Chăm và người Việt đã cùng nhau sinh sống và phát triển tại làng chài cổ này, hiện nay trong làng Nam Ô vẫn có những người mang họ gốc Chăm như họ Chế, họ Trà...
Qua các giai thoại, hiện nay dân làng vẫn còn truyền lại câu ca dao tả lại nỗi lòng của nàng công chúa nổi tiếng Huyền Trân khi lưu lại mảnh đất này, chờ đợi ngày trở về: “Chiều chiều ra ngó Hải Vân/ Chim kêu gành đá, ngẫm thân lại buồn".
Di tích hào hùng thời kỳ chống thực dân
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng, những giai thoại, truyền thuyết xưa do người dân Nam Ô kể lại có cứ liệu lịch sử rất mỏng, khó xác minh. Nhưng có thể coi đó là những phần tô điểm, giúp cho không gian văn hóa nơi đây thêm linh thiêng. Còn về những giá trị có thật trong lịch sử thì đến nay vẫn tồn tại nhiều di tích rất lâu đời như: Lăng Ông, Miếu bà Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử), mộ Tiền Hiền (những người có công khai khẩn), miếu Âm Linh và Nghĩa Trũng (tưởng niệm các binh sĩ buổi đầu đánh Pháp)...
Trong đó, nổi bật nhất là khu Nghĩa Trũng và miếu Âm Linh, nơi chôn cất và thờ cúng những người lính nhà Nguyễn đã tử trận trong buổi đầu chống thực dân Pháp. Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào khoảng năm 1858, quân lính triều đình của đồn Nam Ô và dân quân địa phương đã tử trận rất nhiều, được chôn cất tại Nghĩa Trũng.
Để tưởng niệm các tử sĩ này, triều đình vua Tự Đức đã sắc dụ cho nhân dân nơi đây lập Miếu Âm Linh để đời sau thờ cúng. Nhiều năm sau, vua Thành Thái (1889-1967) khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo. Được bảo tồn, hương khói bởi nhiều thế hệ người làng Nam Ô, dấu tích của cuộc chống trả oanh liệt trước quân thực dân xâm lược vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay.
Ông Huỳnh Văn Hùng khẳng định: “Các di tích lịch sử - văn hóa với giá trị to lớn như vậy dày đặc trong một làng chài nhỏ là rất hiếm và đáng quý. Bên cạnh Di sản văn hóa phi vật thể là nghề làm nước mắm truyền thống, hiện nay ngành văn hóa đang lập hồ sơ khoa học công nhận các di tích trong làng Nam Ô là quần thể di tích văn hóa - lịch sử cấp thành phố. Sau khi được công nhận chính thức, quần thể di tích này sẽ được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa”.
Bài 2: Gìn giữ nét văn hóa truyền thống cha ông